Kinh tế Anh trước bờ vực đình lạm: Thách thức cho người kế nhiệm ông Boris Johnson

Phương Lê 10:08 | 11/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Boris Johnson từ chức Thủ tướng Anh trong bối cảnh nền kinh tế nước này đối mặt một loạt thách thức: lạm phát cao, tăng trưởng yếu và quan hệ thương mại với EU xấu đi.

Ông Boris Johnson từ chức Thủ tướng Anh hôm 7/7 khi hàng chục thành viên trong đảng của ông rời bỏ chính phủ sau một loạt bê bối đạo đức. Phản ứng trước thông tin từ phố Downing, chứng khoán Anh tăng điểm, tỷ giá đồng bảng Anh phục hồi nhẹ từ mức đáy của hai năm thiết lập hồi đầu tuần. 

Nhìn trong bối cảnh chung, sự rời đi của ông Boris Johnson diễn ra vào thời điểm nền kinh tế Anh hiện cũng đối mặt hàng loạt thách thức lớn: tình trạng lạm phát gia tăng, tăng trưởng trì trệ và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ đẩy hàng triệu người vào nguy cơ đói nghèo trong mùa đông này. Trong khi đó, xung đột thương mại với EU kể từ sau khi Anh ly khai khối này cũng có nguy cơ gây ra những thiệt hại.

Bất cứ ai là người kế nhiệm ông Boris Johnson lúc này đều phải đối mặt một loạt thách thức với tư cách là nhà lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ và đất nước.

Lạm phát nóng

Đa số các nền kinh tế lớn đều đang chứng kiến tác động kéo dài của đại dịch đối với chuỗi cung ứng, cùng với cú sốc về chi phí năng lượng và lương thực từ xung đột Nga - Ukraine. Nhưng Vương quốc Anh chịu ảnh hưởng nặng nề hơn hầu hết các nước phát triển khác.

Lạm phát tháng 5 của Anh đã tăng tới 9,1% vào tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất 40 năm và cao nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu G7. Đồng thời, con số này được dự báo sẽ tăng trên 11% vào cuối năm nay bất chấp một loạt đợt tăng lãi suất.

Những tác động mạnh mẽ của sau khi Anh ly khai EU (Brexit) - thành tựu tiêu biểu của chính phủ Anh trong nhiệm kỳ ông Johnson - được một số nhà phân tích cho rằng đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động và tăng chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp. Chi phí nhập khẩu cũng tăng cao hơn do giá đồng bảng Anh giảm mạnh trong năm nay. Tình trạng giá thực phẩm và nhiên liệu tăng đã tạo ra cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các hộ gia đình Anh có thu nhập thấp phải lựa chọn giữa nhu cầu cơ bản: sưởi ấm hay ăn uống.

Các nhà vận động chống đói nghèo đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn. Chính phủ của ông Johnson đã cam kết hỗ trợ 400 bảng Anh (502 USD) cho mỗi hộ gia đình để cứu hàng triệu người đang gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn năng lượng. Áp lực vào tháng trước buộc chính quyền của ông công bố đánh thuế 5 tỷ bảng Anh (6,3 tỷ USD) đối với lợi nhuận thu được của các công ty dầu khí. Nhưng những nỗ lực đó không phát huy tác dụng.

Theo Ngân hàng Trung ương Anh, thu nhập khả dụng của người dân đang có xu hướng giảm mạnh lần thứ hai kể từ mức kỷ lục vào năm 1964 do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao. Và tình hình dường như đang tồi tệ hơn. Chi phí năng lượng trung bình hàng năm của các hộ gia đình có thể tăng hơn khoảng 50% lên 3.000 bảng Anh (3.600 USD) vào mùa đông này khi trần giá năng lượng được sửa đổi vào mùa thu. Lần sửa đổi trước đó là vào tháng 4 với mức tăng 54%.

Chi phí cao khiến mức sống của các hộ gia đình ở Anh liên tục suy giảm. Resolution Foundation cho biết tiền lương của người Anh không cao hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Adam Corlett, nhà kinh tế chính của tổ chức này cho biết: “Kỷ lục đói nghèo gần nhất của Anh về mức sống, đặc biệt là sự thụt lùi tăng trưởng thu nhập đối với các hộ gia đình nghèo trong 20 năm qua, phải được đảo ngược trong thời gian tới".

Tăng trưởng trì trệ

Nếu không đạt được tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn, sự sụt giảm thu nhập của người dân sẽ không thể đảo ngược theo chiều hướng cải thiện. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, triển vọng tăng trưởng của Anh khá mờ nhạt. Nhiều tổ chức dự báo đà phục hồi toàn cầu đang giảm tốc, nhưng Anh dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với rủi ro suy thoái cận kề.

Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đã tăng trưởng chững lại vào tháng 2 và bắt đầu sụt giảm vào tháng 3. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, sự sụt giảm đã tăng tốc vào tháng 4, khi GDP ước tính giảm 0,3%. Trong đó, cả 3 lĩnh vực chính của nền kinh tế (dịch vụ, sản xuất và xây dựng) đều thụt lùi. Doanh số bán lẻ trong tháng 5 đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp.

Trong một báo cáo về sự ổn định tài chính mới được công bố, Ngân hàng Trung ương Anh xác nhận rằng triển vọng kinh tế Anh đang xấu đi. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris dự báo rằng nền kinh tế Anh đang đi đến tình trạng lạm phát đình trệ (lạm phát cao kèm tăng trưởng yếu) , dự báo tăng trưởng GDP 2023 tăng trưởng bằng 0. Đây sẽ là dự báo tăng trưởng tồi tệ nhất trong nhóm G7.

Tăng trưởng yếu càng gia tăng áp lực đối với nợ chính phủ, vốn đã lên tới hơn 90% GDP, do các khoản chi tiêu khổng lồ để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với đại dịch và khủng hoảng năng lượng. Văn phòng Ngân sách quốc gia (OBR) cho biết: "Nợ công của Anh hiện không bền vững và dự báo sẽ vượt qua 250% GDP trong dài hạn." OBR cho biết thêm: "Tất cả điều này làm gia tăng thêm thách thức đối với các chính phủ tương lai khi họ điều hành nền kinh tế và tài chính công của Anh trong những năm tới".

Lời hứa hậu Brexit còn bỏ ngỏ

So với người tiền nhiệm (bà Theresa May), ông Boris Johnson đã thành công hơn bằng việc giúp Anh rời khối EU. Nhưng ông đã không thúc đẩy thương mại với châu Âu như hứa hẹn. OBR kết luận hồi tháng 3 rằng Anh đã không theo kịp đà phục hồi thương mại toàn cầu kể từ sau đại dịch. Đối với nhiều doanh nghiệp, thỏa thuận miễn thuế ông Johnson ký với các nhà lãnh đạo EU cách dây chưa đầy hai năm đã gây ra sự rườm rà về thủ tục hải quan, khiến họ khó bán hàng vào thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình và làm tăng chi phí nhập khẩu.

Các thỏa thuận ký với các nền kinh tế khác ngoài EU cũng hầu như không có sự dịch chuyển. OBR nêu rõ: "Mặc dù các thỏa thuận thương mại với các nước khác lẽ ra có thể bù đắp sự sụt giảm thương mại với EU, nhưng không có thỏa thuận nào được ký kết cho đến nay có quy mô đủ lớn để tác động vào dự báo của chúng tôi".

Dữ liệu chính thức được công bố vào tuần trước cho thấy thâm hụt cán cân thanh toán của Vương quốc Anh đã tăng vọt lên 8,3% GDP trong quý đầu tiên của năm 2022. Trong bối cảnh đó, đồng bảng Anh đã bị giảm giá trong năm nay. Mối quan hệ của ông Johnson với các nhà lãnh đạo EU không mấy tốt đẹp khi ông từng đe dọa không tuân thủ một phần hiệp ước Brexit. 

Trong một góc nhìn lạc quan, chuyên gia phân tích Kallum Pickering tại Berenberg nhận định: “Dựa vào danh sách những ứng cử viên kế nhiệm tiềm năng của ông Boris Johnson, quan hệ giữa Anh với EU nhiều khả năng sẽ bớt căng thẳng hơn".