Quyết định mới của hải quan Mỹ tạo tin vui cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm đông lạnh

10:46 | 18/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quyết định mới của cơ quan hải quan Mỹ trả lại thuế chống bán phá giá cho Tập đoàn thủy sản Minh Phú là tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ,
"Vua" tôm Việt Nam-ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết tập đoàn đón tin vui đầu năm khi nhận được Quyết định 11-2-2021 giải quyết khiếu nại từ Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP).
 
Theo đó, Mỹ đã hủy bỏ quyết định đã ban hành trước đó vào ngày 13-10-2020 về việc áp thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào thị trường này.
Quyết định mới của cơ quan hải quan Mỹ cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác.
 
Đồng thời, Minh Phú cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp trước đó.
 
Quyết định mới của cơ quan hải quan Mỹ là tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ.
 
 
Quyết định mới của hải quan Mỹ tạo tin vui cho doanh nghiệp  Việt xuất khẩu tôm đông lạnh - ảnh 1
Hải quan Mỹ cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ
 
Trước đó, tại kết luận ngày 13-10-2020, Cơ quan điều tra EAPA của CBP đã yêu cầu áp thuế chống phá giá sản phẩm tôm Ấn Độ với Minh Phú dựa trên nhận định hệ thống truy xuất của Minh Phú còn có một số lỗi nhỏ, Minh Phú chưa hợp tác đầy đủ vì chưa cung cấp được hồ sơ truy xuất chi tiết của từng loại nguyên liệu tôm tới từng chuyến hàng xuất khẩu với thông tin và tài liệu như Cơ quan này yêu cầu.
 
Ngay sau đó, Minh Phú đã nộp đơn khiếu nại hành chính lên cơ quan cấp cao của CBP, yêu cầu xem xét lại kết luận nói trên.
 
Trên cơ sở khiếu nại này, Cơ quan cấp cao phụ trách về Luật pháp và Phán quyết của CBP đã phân tích các bằng chứng và hồ sơ truy xuất nguồn gốc từ tôm nguyên liệu, qua các công đoạn sản xuất và xuất khẩu vào Mỹ mà Minh Phú cung cấp.
 
Theo đó, CBP nhận định xét đến đặc thù của quá trình sản xuất – xuất khẩu tôm đông lạnh, Minh Phú đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, cho phép tách riêng tôm nhập khẩu và tôm nguyên liệu trong nước cũng như truy xuất từ tôm nguyên liệu tới tôm đông lạnh thành phẩm theo từng thị trường.
 
CBP cũng đánh giá Minh Phú đã trung thực trong báo cáo và hợp tác với nỗ lực cao nhất trong suốt cuộc quá trình điều tra EAPA.
 
Kết quả, CBP nhận định Minh Phú không vi phạm các quy định của EAPA và quyết định hủy bỏ việc áp thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn độ đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Minh Phú.
Ông Quang cho biết trong năm 2020, Minh Phú đã xuất khẩu được 55.000 tấn tôm thành phẩm, với kim ngạch đạt 580 triệu USD. Mục tiêu năm 2021, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu 71.000 tấn tôm, kim ngạch 790 triệu USD.
 
Trước đó, theo nhận định của tờ Lao động, mặc dù dịch COVID-19, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng ổn định.
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ... để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.
 
Bước sang năm 2021, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm của Việt Nam nếu bảo đảm tốt khâu nuôi trồng, chế biến thì sẽ tiếp tục đạt được các mốc tăng trưởng cao. Vắc-xin phòng Covid-19 ra đời cùng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đang được các doanh nghiệp tận dụng sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm.
 
 
Quyết định mới của hải quan Mỹ tạo tin vui cho doanh nghiệp  Việt xuất khẩu tôm đông lạnh - ảnh 2
 Quyết định mới của cơ quan hải quan Mỹ là tin vui cho doanh nghiệp
xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ
 
Những dự báo này là có cơ sở, khi ngay từ những ngày đầu năm 2021, tám công-ten-nơ hàng, với hơn 160 tấn tôm do Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã được xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản. Chuyến hàng này như tín hiệu dự báo tốt lành cho ngành tôm xuất khẩu trong năm 2021…
 
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, năm 2021 với việc Việt Nam kiểm soát tốt được dịch COVID-19 và tham gia các hiệp định thương mại song phương với các nước sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi nhu cầu tôm trên thế giới tiếp tục tăng.
 
VASEP dự báo uất khẩu tôm có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 4 đến 4,4 tỷ USD vào năm 2021. Ngoài ra, theo dự báo, quy mô thị trường tôm toàn cầu sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026 (năm 2020 là 48,7 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,8% trong giai đoạn 2021 - 2026.
Tuy nhiên, để có thể tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu tốt, các doanh nghiệp cần có những giải pháp cụ thể:
 
Thứ nhất, công tác quản lý sản xuất và quản lý giống tôm nuôi phù hợp, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm chất lượng con giống cung cấp, tránh rủi ro về khâu sản xuất để ổn định nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Thứ hai, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đủ về lượng và bảo đảm về chất, nhất là khâu nuôi trồng bằng cách ứng dụng các khoa học - công nghệ mới.
 
Thứ ba, tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch COVID-19 ảnh hưởng sản xuất và chuỗi cung ứng xuất khẩu; tăng năng lực cạnh tranh và thị phần ở các thị trường lớn và chiến lược như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh…
 
Minh Hoa