RCEP: Đâu là vướng mắc cốt lõi nhất?

21:36 | 28/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cho dù đạt được những bước tiến tích cực song Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, vướng mắc cốt lõi nhất là đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa (thuế quan) và quy tắc xuất xứ, theo Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI.

RCEP: Đâu là vướng mắc cốt lõi nhất? - ảnh 1
Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 6. Nguồn: Internet 
 Nỗ lực thúc đẩy hoàn tất Hiệp định vào năm 2019

Trong một thời gian dài đàm phán không đạt được tiến triển gì đáng kể, vào cuối tháng 8/2018, Bộ trưởng 10 nước ASEAN và 06 nước đối tác thương mại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand đã thông qua 02 chương mới của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm chương về Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, và chương Mua sắm Chính phủ.

Đây được xem như một dấu hiệu khả quan thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến trình đàm phán RCEP trong nỗ lực thúc đẩy hoàn tất Hiệp định này vào năm 2019.

Cũng trong Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 6 này, các nước thành viên đàm phán RCEP đã đặt mục tiêu cuối năm 2018 sẽ kết thúc về cơ bản đàm phán mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, cũng như kết thúc đàm phán một số nội dung kỹ thuật để có thể hoàn toàn kết thúc đàm phán RCEP trong năm 2019.

Để đạt được mục tiêu trên, các Bộ trưởng ASEAN đã đưa ra một số gói cam kết mang tính định hướng để kết thúc đàm phán, thể hiện vai trò dẫn dắt của ASEAN trong đàm phán. Trước đó, các nước đã đặt ra mục tiêu kết thúc RCEP năm 2017 nhưng chưa thực hiện được.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm và biến đổi liên tục bởi tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, RCEP với tính chất là một Hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất đang đàm phán, ở một khu vực kinh tế có thể coi là năng động nhất thế giới hiện nay, với sự tham gia của Trung Quốc, có thể là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm toàn cầu hóa của thế giới, đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến cuộc chiến thương mại hiện tại.

Khi được hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một thị trường liên thông với khoảng 3,4 tỷ người tiêu dùng và quy mô GDP khoảng 49,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu, mang lại tác động tích cực đến kinh tế ASEAN nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Quãng đường dài phía trước

Trong tiến trình đàm phán RCEP, những bước đi mới trong Hội nghị vừa qua là rất đáng kể, mặc dù vậy vẫn còn một quãng đường dài trước khi đạt được mục tiêu hoàn tất Hiệp định này.

RCEP: Đâu là vướng mắc cốt lõi nhất? - ảnh 2
Nguồn: Internet. 
RCEP bao gồm 18 chương, nhưng sau 5 năm đàm phán kể từ 2013, tới nay mới chỉ có 4 chương được hoàn tất, bao gồm Hợp tác kinh tế - kỹ thuật, Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, và Mua sắm chính phủ.

Vấn đề vướng mắc nhất, và cũng là nội dung cốt lõi trong RCEP thuộc về đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa (thuế quan) và quy tắc xuất xứ hiện vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Nguyên nhân chính của việc trì hoãn là do sự khác biệt về mục đích và quan điểm kinh tế giữa 16 nước thành viên trong nhiều vấn đề nhạy cảm.

Ví dụ, nông nghiệp đang là vấn đề chính giữa Australia, New Zealand và Ấn Độ. Australia, Trung Quốc và Nhật Bản lại gặp nhiều mâu thuẫn khi đàm phán về quản lý dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, RCEP lại không có thành viên nào đủ khả năng định hướng đàm phán, toàn bộ quá trình này được đặt dưới sự dẫn dắt của ASEAN. Mà ASEAN thì hoạt động trên nguyên tắc dựa trên sự tôn trọng ý kiến của tất cả các thành viên, phương pháp này tạo thuận lợi để đạt được đồng thuận quan điểm, nhưng cũng tạo ra sự chậm trễ trong quá trình đàm phán.

Để hoàn tất mục tiêu, các nước thành viên tham gia RCEP phải sẵn sàng, linh hoạt hơn trong đàm phán, nỗ lực hơn nữa mới có thể đạt được hiệp định có chất lượng cao nhất.