Rủi ro nợ xấu quay trở lại với ngân hàng

H.T 15:37 | 22/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận, nền kinh tế phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu.

Áp lực nợ xấu tăng trong năm 2024

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Trước đó từ cuối năm 2022 cho đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn.

Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại nhiều ngân hàng đã tăng lần lượt là 40% và 24% so với đầu năm.

Vào cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu và nợ Nhóm 2 của nhóm ngân hàng SSI nghiên cứu tăng lên lần lượt là 1,68% và 1,99% tính tại thời điểm cuối năm 2023; dư nợ tái cơ cấu tăng 0,8% tính tại thời điểm cuối quý III. Với giả định dư nợ tái cơ cấu không có thay đổi đáng kể trong quý IV/2023, các khoản vay có vấn đề này tương đương với 4,48% tổng dư nợ.

 

Các chuyên gia phân tích dự báo tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ tăng nhẹ so với năm 2023 (1,63% so với 1,68%), do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

Tuy nhiên, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ Nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ.

Chi phí tín dụng trong năm 2023 thấp hơn so với số lượng nợ xấu mới hình thành

Bên cạnh đó, SSI Research cũng lưu ý rằng chi phí tín dụng trong năm 2023 thấp hơn so với số lượng nợ xấu mới hình thành (bao gồm VAMC và khoản vay tái cơ cấu).

Nhìn chung, bộ đệm dự phòng đang thấp hơn so với giá trị của các khoản vay có vấn đề tại hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ Vietcombank. Trong năm 2023, tỷ lệ dự phòng trên tổng tín dụng là 1,9% so với tổng nợ có vấn đề là 4,4%.

 

Các chuyên gia phân tích cho rằng ngân hàng cần phải trích lập thêm dự phòng để cải thiện chất lượng tài sản, nhưng thời gian trích lập dự phòng có thể được kéo dài cân nhắc bởi nhiều yếu tố.

Đầu tiên phải kể đến nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng mà có thể kéo dài trong thời gian dài mặc dù có 3 luật mới sẽ có hiệu lực vào năm 2025. Điều này không chỉ đòi hỏi ý chí mạnh mẽ mà còn cần hành động kịp thời từ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý.

SSI Research kỳ vọng vấn đề sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể tương tự như trong năm 2023. Theo đó, dòng tiền của một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có thể còn gặp khó khăn. Chưa kể đến khoản trái phiếu doanh nghiệp trị giá 218.000 tỷ đồng (con số này tương đương với 20% tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản năm 2023) sẽ đáo hạn trong năm 2024.

Cùng với đó, cho vay mua nhà tại các dự án có vấn đề về mặt pháp lý cũng là một rủi ro khác. Việc người mua nhà phải chịu gánh nặng thanh toán gốc lãi cho khoản vay mua nhà hàng tháng mà không biết khi nào mới được bàn giao nhà sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người mua nhà.

Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tín dung bán lẻ trong thời gian tới cũng như lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng. Việc xử lý các khoản vay mua nhà này sẽ gây ra tổn thất cho các ngân hàng (do không có tài sản thế chấp) và ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của ngân hàng trong tương lai.

Cũng theo các chuyên gia phân tích, mặc dù tổng thu nhập hoạt động có thể phục hồi trong năm 2024 và các ngân hàng có dư địa tốt hơn để hấp thụ rủi ro cũng như giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản, nhưng không dễ để thực hiện được điều này trong vòng 1 năm.

Với NIM ước đạt 3,6% và chi phí hoạt động (Operating Expenditure) trên tổng tín dụng là 1,5%, thì ngân hàng khó có thể ghi nhận chi phí tín dụng ở mức 3% chỉ trong một năm. Việc kéo dài nghĩa vụ trích lập dự phòng trong vài năm sẽ giúp ngân hàng duy trì tỷ suất cho vay của mình.

Bên cạnh đó, yếu tố phản ứng nhanh và hỗ trợ kịp thời của cơ quan quản lý cũng được đánh giá là một điểm cộng với quá trình xử lý nợ xấu. Trong năm 2024, SSI cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu đã đề ra kết hợp với các biện pháp hỗ trợ kịp thời (ví dụ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ) cùng với việc giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động ngân hàng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Đồng thời, các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ áp dụng các yêu cầu chặt chẽ hơn về cơ cấu sở hữu, cho vay đối với các bên liên quan như trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 15/2023 về dữ liệu bổ sung phải cập nhật trong hệ thống CIC cũng như sửa đổi quy định về tỷ lệ an toàn vốn và các tỷ lệ an toàn khác.

"Theo quan điểm của chúng tôi, tất cả những quy định này có thể có một giai đoạn chuyển tiếp phù hợp để tránh tạo ra một cú shock đối với hoạt động của ngân hàng", báo cáo viết.

Ngân hàng có thể trích lập đủ dự phòng trong bao nhiêu lâu?

Chuyên gia SSI cho biết cũng nhận thấy có sự khác biệt tương đối lớn trong tiêu chuẩn ghi nhận nợ quá hạn giữa các ngân hàng mà SSI nghiên cứu (tăng 47% so với đầu năm) và các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn (tăng 10,5% so với đầu năm trong 9 tháng đầu năm 2023).

 

Xét trong bối cảnh năm 2023, SSI Research cho rằng một phần trong số các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn đã công bố chất lượng tài sản không đúng với thực tế nhờ tận dụng cơ chế tái cơ cấu khoản vay. Do đó, nợ có vấn đề trong hệ thống ngân hàng (không bao gồm SCB) có thể cao hơn so với mức 5%.

Theo kết quả xử lý nợ trong giai đoạn 2012-2017 và 2017-2021, 65% nguồn xử lý nợ xấu đến từ việc sử dụng dự phòng đã trích để xóa nợ xấu của ngân hàng.

Do đó, các chuyên gia kỳ vọng hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn (như ACB, Vietcombank, VietinBank, BIDV...) sẽ hồi phục sớm hơn và ngược lại.