Rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao
Được biết, lãi suất trái phiếu do doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm cao nhất, lên đến 13%/năm, con số này nếu đem so với lãi suất tiền gửi ngân hàng thì đang cao gấp khoảng 2,5 lần. Với mức lãi suất hấp dẫn này, dòng tiền của người dân đổ vào trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng mạnh, bất chấp nhiều khuyến cáo của các cơ quan chức năng được đưa ra.
Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhờ lãi cao
Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng của năm nay đạt 208.900 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020. Quán quân phát hành là nhóm doanh nghiệp bất động sản (92.300 tỷ đồng, chiếm 44,2%). Đứng sau là nhóm ngân hàng (68.200 tỷ đồng, chiếm 32,7%), nhóm năng lượng và khoáng sản (14.800 tỷ đồng, chiếm 7,1%)…
Bên cạnh đó, lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý 2 là 9,95% (giảm 33% trăm so với quý 1). Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang nằm trong xu hướng giảm nhưng rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi. Theo SSI, chênh lệch lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi tiếp tục duy trì ở mức cao là động lực chính giúp phân khúc này tiếp tục tăng trưởng mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư.
Mới đây, trong báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021, bộ Xây dựng cũng cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 192.203 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho hay, trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm.
Còn theo SSI trong nửa đầu năm nay, có 29.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản được bảo đảm hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Nếu tính cả các trái phiếu bất động sản được bảo đảm một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỉ đồng - chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản đã phát hành.
Theo thông tin từ Báo Lao động, gần đây có doanh nghiệp thông báo phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 với mức lãi suất cao ngất ngưởng. Chẳng hạn như Vset Group đang thông báo phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không có bảo đảm bằng tài sản, không kèm chứng quyền với lãi suất cố định 12%/năm và thưởng lên đến 50% lãi suất thực nhận. Theo giới thiệu của nhân viên công ty này, nhà đầu tư mua trái phiếu có thể nhận lãi suất lên tới 18,8%/năm, kỳ hạn trái phiếu từ 12-60 tháng, mệnh giá từ 5 triệu đồng… Tuy nhiên, trái phiếu của Vset Group do công ty phát hành riêng lẻ, không thông qua đại lý nào.
Trả lời trên VnEconomy, chuyên gia tài chính Nguyễn Nguyễn Trí Hiếu cho hay, trên thế giới, trái phiếu thường không có tài sản bảo đảm. Như tại Mỹ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường là doanh nghiệp lớn, có báo cáo tài chính rõ ràng, tình hình tài chính ổn định và có xếp hạng tín nhiệm.
Các nhà đầu tư sau khi nghiên cứu, phân tích báo cáo tài chính của nhà phát hành và xem xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, sẽ đưa ra quyết định. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với tình hình tài chính không mấy sáng sủa, không có xếp hạng tín nhiệm cũng huy động vốn thành công.
Vị chuyên gia này cho rằng nguyên nhân là do, người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ mua trái phiếu là do thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu, nhầm tưởng trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh, nên đặt lòng tin. Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp duy trì lãi suất khá cao, có thể gấp đôi, gấp ba lãi suất tiền gửi ngân hàng, nên có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ở Việt Nam.
Cẩn trọng
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, rủi ro của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chính là nằm ở lãi suất. Lãi suất trái phiếu được phát hành càng cao thì càng rủi ro. Từ năm ngoái đến nay, mặt bằng chung của lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 11%-12%/năm, cá biệt 16%/năm ở một vài doanh nghiệp. Mức lãi suất trả cho nhà đầu tư mua trái phiếu được quảng cáo trên 16%/năm sẽ có mức độ rủi ro rất cao. Ở thời điểm doanh nghiệp gặp tổn thương do dịch bệnh như hiện tại, nhà đầu tư càng nên cẩn trọng.
Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ Phó Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường.
Cụ thể, về phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Về phía nhà đầu tư mua trái phiếu, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, pháp luật đã quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua trái phiếu phát hành riêng lẻ.
“Do đó, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua trái phiếu riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không… sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư, và nhà đầu tư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu” – ông Dương khẳng định.
Vụ Tài chính ngân hàng cũng khuyến nghị, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo. Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư khi mua trái phiếu phải nắm rõ, có hai loại bảo lãnh. Thứ nhất, bảo lãnh phân phối. Nghĩa là, nếu nhà phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua hết trái phiếu còn lại. Thứ hai, bảo lãnh thanh toán. Có nghĩa là nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay.
Tuy nhiên, các ngân hàng thường là bảo lãnh phân phối và chỉ hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu.
Ông Hiếu cũng lưu ý thêm, trái phiếu là công cụ nợ, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp không có quyền lực như ngân hàng. Bởi, khi ngân hàng cho vay, họ nắm giữ tài sản đảm bảo, đồng thời, có thể cử nhân viên đến từng quý, từng tháng để xem sổ sách, bảo đảm có nguồn trả nợ và giám sát kế hoạch sử dụng vốn doanh nghiệp.
Một điểm đáng lưu ý nữa, vị chuyên gia này cho biết, có những đơn vị phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. “Nhà phát hành dùng tiền đó biến nợ xấu thành nợ tốt, biến nợ cũ thành nợ mới, rất nguy hiểm. Trong trường hợp nhà đầu tư sau không tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp nữa, lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao”, ông Hiếu cảnh báo.
H.A (T/h)
Xem thêm: Thị trường trái phiếu đang có phản ứng tích cực với khung phát lý mới