Rút khỏi Nga nhưng các nhà băng Mỹ vẫn có cách kiếm bộn tiền từ các khoản nợ của Nga

Nguyễn Thị Thùy Dung 09:54 | 10/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các ngân hàng Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Nga, nhưng điều đó không có nghĩa họ ngừng kiếm tiền từ xung đột Nga - Ukraine, tờ CNN đưa tin.

Theo CNN, việc các chủ nợ cố gắng bán bớt các khoản nợ của Nga trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đã tạo ra một cơ hội kiếm lời khổng lồ cho các nhà băng Mỹ. 

Cơ hội này dựa trên các giao dịch mua lại trái phiếu Chính phủ hoặc doanh nghiệp Nga với giá rẻ mạt cùng với các giao dịch hoán đổi không trả được nợ tín dụng. Như vậy, các ngân hàng Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian hoặc bảo hiểm cho khả năng không trả được nợ của Chính phủ và doanh nghiệp Nga.

Thông thường, loại hình giao dịch này ít được sử dụng. Nhưng khi một số nhà đầu tư tổ chức nóng lòng loại bỏ khỏi danh mục đầu tư của họ bất cứ tài sản nào liên quan đến Nga và đà rớt của giá trái phiếu trở nên nhanh hơn đà tăng của giá bảo hiểm trái phiếu, ngày càng nhiều giao dịch được thực hiện. 

Bloomberg News cho biết kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, khối lượng giao dịch nợ trái phiếu doanh nghiệp của Nga đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm. Dữ liệu từ trang web MarketAxess cho thấy khối lượng giao dịch nợ trái phiếu Chính phủ Nga trong khoảng thời gian từ ngày 24/2 đến 7/4 qua đạt 7 tỷ USD, tăng 35% so với mức 5 tỷ USD cùng kỳ 2021.

Trong khi đó, chi phí bảo hiểm cho các khoản nợ trái phiếu của Nga đã tăng từ 28% vào ngày 4/4 vọt lên 43% vào ngày 5/4, theo The Economist. Điều này đồng nghĩa các nhà băng chỉ tốn hơn 4 triệu USD để bảo hiểm cho khoản 10 triệu USD nợ trái phiếu của Nga. 

Financial Times hồi cuối tháng 3 đưa tin rằng các quỹ đầu cơ như Aurelius Capital Management, GoldenTree Asset Management và Silver Point Capital đã tăng cường tiếp xúc với thị trường Nga, chủ yếu thông qua mua lại trái phiếu doanh nghiệp. 

Trong khi đó, các ngân hàng Mỹ như JPMorgan Chase và Goldman Sachs cũng đang tạo điều kiện cho những giao dịch này thông qua việc kết nối khách hàng muốn bán nợ với các quỹ đầu cơ có khả năng chấp nhận rủi ro cao để mua nợ của Nga. Người đại diện JPMorgan cho hay ngân hàng này chỉ đóng vai trò trung gian, tìm cách hỗ trợ các khách hàng chứ không thực hiện giao dịch nào vi phạm lệnh trừng phạt với Nga hoặc có lợi cho Nga.

Bà Kathy Jones, chiến lược gia trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab cho biết: “Đây là Phố Wall. Tôi không ngạc nhiên khi họ tận dụng bất kỳ một lỗ hổng nào có thể khai thác để kiếm tiền”.

Ông Robert Tipp, chiến lược gia đầu tư trái phiếu toàn cầu tại PGIM Fixed Income cũng chia sẻ rằng nếu khách hàng muốn nhanh chóng bán các khoản nợ Nga, họ có thể tìm đến các tài phiệt Nga hoặc các quỹ đầu cơ của Mỹ. 

Còn ông Philip M. Nichols, một chuyên gia về trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, hiện là giáo sư tại Trường kinh doanh Wharton (Đại học Pennsylvania, Mỹ) thì tiết lộ: “Có rất nhiều nhà đầu cơ đang gom hàng loại trái phiếu đã bị hạ cấp nghiêm trọng này”.

Ông Nichols đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các nhà phân tích để trao đổi về tiềm năng của loại giao dịch mua nợ của Nga. “Họ đang kiếm những khoản tiền lớn bất thường từ kết nối các giao dịch mua - bán nợ của Nga”. 

Theo ông Nichols, những giao dịch này hoàn toàn hợp pháp và sinh lời, nhưng mang tính chất đầu cơ cao và sẽ chịu tác động đáng kể từ diễn biến chiến sự ở Ukraine cũng như các đợt trừng phạt khác được áp đặt với Nga.