Samsung mở thêm nhà máy tại Việt Nam, làm bàn đạp củng cố vị thế dẫn đầu mảng smartphone

05:30 | 05/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dòng smartphone màn hình gập của Samsung đang đắt hàng, do đó doanh nghiệp này dự định mở thêm nhà máy tại Bắc Ninh nửa cuối năm nay để nâng sản lượng các mẫu Z Fold và Z Flip lên 25 triệu chiếc/năm.

Theo nguồn tin từ tờ The Korea Economic Daily, theo tính toán thì Samsung có thể sản xuất số lượng điện thoại thông minh khủng lên đến 10 triệu chiếc Z Fold và 15 triệu chiếc Z Flip mỗi năm nếu như tập đoàn thành công trong việc mở rộng nhà máy tại Việt Nam. 

Kế hoạch sẽ thông qua doanh nghiệp thành viên Samsung Display và nhà máy mới dự định sẽ đặt Bắc Ninh, mục tiêu đưa vào hoạt động toàn bộ vào cuối năm hoặc chậm nhất là đầu năm sau. 

Hiện tại, Samsung đang ghi nhận 920.000 đơn hàng đặt trước tại Hàn Quốc, gấp 1,8 lần so với mẫu trước đó Galaxy S21. Số lượng đặt trước cho bộ đôi Z Fold và Z Flip ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn với trên 1 triệu đơn. Nhiều nguồn tin cũng đang hé lộ rằng lượng đặt hàng của hãng tại Mỹ cũng đang có dấu hiệu vượt mặt các mẫu flagship đời cũ. 

Đây rõ ràng là thông tin vô cùng tích cực đối với Samsung, tuy nhiên vấn đề cũng nảy sinh là Các nhà máy sản xuất thiết bị màn hình gập của Samsung đã hoạt động hết công suất nhằm đáp ứng tiến độ trả hàng cho khách. Ước tính chỉ trong vòng 2 tháng qua, Samsung đã sản xuất hơn 3 triệu chiếc Galaxy Z Fold 3 VÀ Z Flip 3 để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, bằng cách "vắt kiệt" tối đa công suất các nhà máy hiện có với 1,5 triệu sản phẩm mỗi tháng.

Đại gia Hàn Quốc này không còn cách nào khác ngoài việc mở rộng các cơ sở của mình. Nguồn tin thân cận khác tiếp tục tiếp tục tiết lộ Samsung có thể sẽ bổ sung thêm ba dây sản xuất nữa bên cạnh bảy dây chuyền hiện tại, điều này giúp hãng có thể dễ dàng quản lý lượng lớn linh kiện cần sản xuất một cách linh hoạt hơn. 

Theo công ty nghiên cứu thị trường Display Supply Chain Consultants (DSCC), dự báo hồi tháng 6 ngành công nghiệp màn hình sẽ tiếp tục ghi nhận sự đột biến của phân khúc màn hình gập với số lượng lên đến 8,9 triệu chiếc trong năm 2021. Sang đến tháng 8, DSCC điều chỉnh dự đoán của mình lên 10,4 triệu đơn vị khi chứng kiến nhu cầu và lượng đặt hàng ngày càng tăng trưởng cao từ Samsung. 

DSCC cũng tiếp tục nhận định rằng, Samsung sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp smartphone, tập đoàn sẽ tiếp tục gặp thuận lợi khi các mẫu điện thoại có thể gập lại mới trở nên quen thuộc và phổ biến hơn với người tiêu dùng trên toàn thế giới. 

Samsung vẫn tin tưởng vào khả năng chống dịch của Việt Nam

Doanh nghiệp số 1 của Hàn Quốc đang có 6 nhà máy cùng một dự án trung nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Samsung đã đầu tư hơn 17,7 tỷ USD vào Việt Nam và hiện có 110.000 cán bộ, nhân viên với kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị hơn 56 tỷ USD năm 2020.

Bất chấp đại dịch hoành hành tại Việt Nam trong suốt từ tháng 1 tới tháng 7 vừa qua, Samsung vẫn ghi nhận  mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Đại diện Samsung Việt Nam cho biết, nếu nhà máy tại Tp.HCM trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới, doanh nghiệp này có thể vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn vững tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. 

Cụ thể, chiều 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Thăm Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tại Khu CN Yên Bình, phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên. Người đứng đầu Chính phủ đã nghe lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cùng những đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung cho biết sau khi dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh được kiềm chế, ông hoàn toàn tin tưởng vào các giải pháp phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ông có niềm tin rằng, tình hình thời gian tới sẽ ổn định, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Tp.HCM và một số tỉnh miền Nam. 

Dù tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng Samsung cùng nhiều tập đoàn trên thế giới tiếp tục góp 19,12 tỷ USD vào tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI), bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nhiều chuyên gia vẫn nhận định, FDI sẽ khó rời Việt Nam và nước ta vẫn chưa lỡ cơ hội đón  làn sóng dịch chuyển sản xuất. Mới đây, tập đoàn LG tiếp tục có động thái tăng vốn đầu tư tại Hải Phòng 1,4 tỷ USD cho thấy Việt Nam vẫn chưa mất niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài như một số nhận định. 

Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) nhấn mạnh rằng: "Các nhà đầu tư đều đang tin tưởng và kỳ vọng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng bật trở lại. Việc FDI dao động vào thời điểm dịch Covid-19 phức tạp như này là điều rất bình thường, và dòng tiền đầu tư sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế của Việt Nam phục hồi".

Duy Anh (t/h)