Sản phẩm nông nghiệp sẽ là trụ cột phát triển kinh tế chính của Đồng Bằng Sông Cửu Long
Nông nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước, những sản phẩm của vùng hiện là trụ cột phát triển chính của ngành xuất khẩu nông nghiệp và được thị trường quốc tế ưu chuộng.
Phát biểu tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra ngày 26/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Bộ KHĐT sẽ hoàn thiện dự thảo Quy hoạch trước khi xin ý kiến chính thức bằng văn bản các Bộ, ngành và địa phương trong Vùng ĐBSCL, và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định, phê duyệt vào tháng 12/2020.
Sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nông nghiệp hiện là trụ cột phát triển kinh tế chính của vùng, nhưng phát triển chưa thực sự bền vững; chưa được khai thác hết tiềm năng; vẫn theo xu hướng tối đa hóa sản lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, hiệu quả; cơ cấu ngành nông nghiệp nặng về thâm canh lúa với năng suất tuy cao nhưng chi phí lớn và giá trị gia tăng thấp; tài nguyên đất và nước bị khai thác cường độ cao, bắt đầu bị suy thoái và ô nhiễm…
Công nghiệp và dịch vụ chưa thực sự phát triển, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp vẫn còn manh mún, chưa hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện, và do vậy chưa tối đa hóa thu nhập cho người dân và doanh nghiệp trong vùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”
"Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi trong phát triển của vùng", Bộ trưởng KHĐT nhấn mạnh. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển thủy điện ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và việc quản lý và khai thác nguồn nước thiếu bền vững thời gian vừa qua đã làm gia tăng thách thức về an ninh nguồn nước, các vấn đề sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, cùng với sự can thiệp ngày càng tăng và thiếu kiểm soát của con người vào tài nguyên của vùng đã làm thay đổi điều kiện tự nhiên của vùng, dẫn tới suy giảm đáng kể bản chất và độ bền vững của toàn bộ đồng bằng.
Trên thực tế, ĐBSCL là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, XK nông sản, đồng thời là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, Vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. GDP bình quân đầu người của Vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Nông nghiệp hiện là trụ cột phát triển kinh tế chính của vùng, nhưng phát triển chưa thực sự bền vững, chưa được khai thác hết tiềm năng. Nông nghiệp hiện đang nắm giữ rất nhiều sản phẩm ưa chuộng của thị trường thế giới với nhu cầu ngày càng tăng, như nông sản hữu cơ, tôm, cá tra, trái cây…
Công nghiệp và dịch vụ chưa thực sự phát triển, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp vẫn còn manh mún. Phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng của vùng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển.
Tuy nhiên, về cơ hội phát triển, lợi thế của vùng ĐBSCL là có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu, giao thương quốc tế….Đồng thời, có lợi thế đặc biệt về các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, thủy triều. Nguồn nhân lực còn rất nhiều dư địa để phát triển và cải thiện chất lượng.
Tận dụng tối đa lợi thế vùng trong chiến lược phát triển
Mặc dù còn khá nhiều thách thức tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu, dần chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chú trọng số lượng sang cải thiện mạnh mẽ chất lượng, vùng ĐBSCL cũng có rất nhiều lợi thế, cơ hội phát triển.
Thứ nhất, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu tiếp thu từ kinh nghiệm của Hà Lan, nơi có điều kiện tự nhiên cũng như quy mô diện tích và dân số tương đồng với vùng ĐBCSL. Theo đó, quy hoạch hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”.
Sản phẩm nông nghiệp là trụ cột kinh tế Đồng Bằng Sông Cửu Long
Thứ hai, Quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp nhằm tăng tối đa sản lượng và chất lượng, giá trị nông sản, đồng thời hài hoà với điều kiện tự nhiên môi trường.
Cụ thể, sẽ phát triển vùng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực.
Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy mở rộng nuôi trồng thủy sản dựa trên nước mặn, nước lợ và phát triển “thuận thiên” để ngăn chặn xói mòn bờ biển và bờ sông. Ở các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau, cơ sở hạ tầng nước và quản lý công trình sẽ phải được sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với việc giảm diện tích trồng lúa và mở rộng nuôi trồng thủy sản, trái cây cũng như trồng trọt...Trong khi đó, với công nghiệp, sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trong đó công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ phát triển nông nghiệp là ngành mũi nhọn...
Thứ ba, xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết hợp với các trung tầm đầu mối; ưu tiên phát triển và mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực của vùng; hạn chế việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp tập trung, có giá trị kinh tế cao để mở rộng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Thứ tư, tập trung phát triển hạ tầng để đi trước một bước nhằm tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng ĐBSCL. Trong lĩnh vực này, sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng, và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp…
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng và thay thế tất cả bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên/LNG và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…)
Thứ năm, khoanh vùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái và môi trường vùng ĐBSCL; tái tạo hệ thống rừng ngập mặn; kết hợp phát triển rừng ngập mặn ven biển với xây dựng hệ thống đê, kè ngăn sóng, chống triều cường, chống sạt lở đất, tạo điều khiển bồi đắp phù sa, mở rộng bãi bồi ven biển…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kỳ vọng, xây dựng bản quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ với chất lượng cao, mà còn phấn đấu trở thành bản quy hoạch vùng điển hình, mẫu mực từ đó rút kinh nghiệm cho việc xây dựng các quy hoạch vùng còn lại theo quy định.
Nguyễn Dung(t/h)