Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế
Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/12, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022, nối dài xu hướng tích cực khi quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tăng trưởng tích cực, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý cùng với thời tiết thuận lợi nên sản xuất trồng trọt được mùa ở hầu hết các địa phương, sản phẩm lúa gạo và rau quả xuất khẩu được giá; sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát.
Thủy sản phát triển khá, tập trung chuyển đổi theo hướng bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, áp dụng rộng rãi nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới.
Hoạt động lâm nghiệp không thuận lợi, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm so với năm trước.
Cụ thể, về nông nghiệp, diện tích lúa cả năm 2023 ước đạt 7,12 triệu ha, tăng 10,1 nghìn ha so với năm trước; năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn. Sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 47,9 triệu tấn, tăng 790 nghìn tấn so với năm 2022, trong đó sản lượng ngô đạt 4,4 triệu tấn, giảm 4,7 nghìn tấn.
Trong đó, diện tích gieo trồng lúa đông xuân năm 2023 ước đạt 2.952,5 nghìn ha, giảm 39,8 nghìn ha so với năm trước nhưng do năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha nên sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 213,3 nghìn tấn.
Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm 2023 đạt 1.912,8 nghìn ha, giảm 2,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2022; năng suất đạt 57,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 181,5 nghìn tấn.
Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm nay ước đạt 708,8 nghìn ha, tăng 60,4 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước; năng suất đạt 56,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, tăng 392 nghìn tấn.
Vụ mùa năm nay cả nước gieo cấy được 1.545,3 nghìn ha, giảm 7,7 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; năng suất ước đạt 53,2 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,23 triệu tấn, tương đương vụ mùa năm trước.
Sản lượng lúa năm 2023 tăng so với năm trước do thời tiết thuận lợi, chuyển đổi cơ cấu giống lúa hợp lý, trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương được nâng cao, năng suất tăng nên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Thực hiện chuyển từ sản xuất lúa gạo theo chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững như đưa vào sản xuất các giống lúa chịu mặn cho vùng ven biển; ứng dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” nhằm tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho nông dân.
Diện tích gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương giảm so với năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả, cây làm thức ăn chăn nuôi, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Năm 2023, diện tích trồng cây lâu năm đạt 3.760,3 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm 2022, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.161,4 nghìn ha, giảm 0,9%; nhóm cây ăn quả đạt 1.267,3 nghìn ha, tăng 4,1%.
Diện tích một số cây công nghiệp lâu năm giảm so với năm trước do những năm gần đây giá bán sản phẩm thấp, khó tiêu thụ, lợi nhuận không đạt kỳ vọng nên người dân chuyển sang trồng cây ăn quả.
Về tình hình chăn nuôi, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trâu, bò trái phép, không rõ nguồn gốc. Dự báo trong thời gian tới có nhiều đợt rét đậm, rét hại đặc biệt tại các địa phương phía Bắc, do đó người chăn nuôi cần chủ động chuẩn bị chống rét cho đàn vật nuôi.
Hiện nay, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm để cung ứng ra thị trường vào dịp lễ, tết; cần tận dụng các nguồn thức ăn chăn nuôi sẵn có để giảm chi phí, đồng thời đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn.
Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung trong quý IV cả nước ước đạt 103,5 nghìn ha, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết không thuận lợi làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới; Tính chung năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 298,2 nghìn ha, giảm 2,7% so với năm trước.
Về thuỷ sản, sản lượng thủy sản quý IV ước đạt 2.516,3 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.Tính chung năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt hơn 9.300 nghìn tấn, tăng 2,2%. Trong đó nuôi trồng 5.456 nghìn tấn, tăng 4,2% và khia thác 3.866 nghìn tấn, giảm nhẹ 0,5%