Sao Ta: Thu lãi hơn 300 tỷ năm 2023, tăng lương, thưởng cho dàn lãnh đạo

Trang Mai 11:15 | 19/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình hình kinh doanh của Sao Ta (mã: FMC) thể hiện sự cải thiện rõ rệt trong những tháng cuối năm, kéo theo doanh thu quý IV/2023 tăng khá so với cùng kỳ.

"Vượt khó" trong quý IV/2023

Cụ thể, trong quý IV/2023, FMC báo cáo doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.253 tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý IV/2022. Giá vốn tăng hơn 5% lên 1.113 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp còn 140 tỷ đồng, giảm nhẹ 8%. Biên lợi nhuận gộp đạt 11%, giảm từ mức 12,5% cùng kỳ năm trước.

Bù lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng tới gần 27% lên 19 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá. Cùng đó, chi phí tài chính đã giảm 2,5 lần xuống còn hơn 7 tỷ đồng. 

Trừ các chi phí, doanh nghiệp thu về hơn 88 tỷ đồng trước thuế, tăng 10%, cộng với tiền dư sau khi được hoàn thuế, lợi nhuận ròng FMC trong quý IV/2023 đạt gần 89 tỷ đồng, trong đó 92% thuộc về lợi nhuận của công ty mẹ. 

Luỹ kế cả năm 2023, FMC ghi nhận 5.087 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với năm 2022. Doanh thu bán thuỷ sản chiếm 87%, còn lại là doanh thu từ bán hàng nông sản. Lợi nhuận ròng năm ghi nhận gần 305 tỷ đồng, giảm 7%.

 

Về chi phí bán hàng, khoản được tiết giảm mạnh nhất trong năm qua là chi phí vận chuyển với hơn 100 tỷ, còn các chi phí khác biến động không đáng kể. 

Tính đến 31/12/2023, FMC có tổng tài sản 3.344 tỷ đồng, tăng 12% từ đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 766 tỷ đồng, tương đương gần 1/4 tổng tài sản, tăng 170 tỷ đồng so với đầu năm. Về cuối năm, doanh nghiệp này đã giảm khoản tiền mặt để gửi ngân hàng thương mại có kỳ hạn 6-12 tháng với lãi suất 4-8,2%/năm. Khoản tiền gửi này đã mang về cho đơn vị này gần 21 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023, tăng 3 tỷ đồng so với năm 2022.

Hàng tồn kho kết năm 2023 còn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm, hàng gửi đi bán cùng một số nguyên vật liệu, công cụ khác. 

Tính đến 31/12/2023, FMC ghi nhận tổng nghĩa vụ nợ 1.110 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.100 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ dài hạn không có nhiều biến động với hơn 10 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2023 là 2.234 tỷ đồng. 

Về thu nhập của dàn lãnh đạo, trong năm 2023, FMC đã chi 13,7 tỷ đồng trả lương, thưởng, tăng gần 400 triệu so với năm 2022. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực có thu nhập 2,1 tỷ đồng, tăng 100 triệu,  2 thành viên HĐQT là ông Phạm Hoàng Việt và Tô Minh Chẳng nhận về lần lượt 2 tỷ và 1,4 tỷ đồng. 

3/4 Phó Tổng Giám đốc có thu nhập trên 1 tỷ đồng là Hoàng Thanh Vũ, Mã Ích Hưng và Lê Ngọc Hương. Các thành viên còn lại trong ban lãnh đạo nhận về từ 200 triệu-870 triệu đồng.

Những thách thức và cơ hội trong năm 2024

Nhận định những thách thức trong năm 2024, ban lãnh đạo FMC cho biết: “Lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Cùng đó, chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024 vì còn hàng tồn kho nhiều.

Chi phí lớn và tăng cao của thức ăn đồng thời dịch bệnh trên tôm nuôi chưa kiểm soát được là thách thức lớn cho ngành nuôi tôm nước ta.

Bên cạnh đó, tôm Việt sẽ phải tiếp tục cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024.

Đặc biệt, các rào cản thương mại gia tăng và quy định thị trường khắt khe hơn: vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, xung đột Trung Đông có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây thiệt hại không nhỏ”.

Tuy nhiên sẽ có những cơ hội như lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực cho kinh tế và tiêu dùng. Ngoài ra, các động thái cấm vận thương mại thủy sản của Mỹ và EU với Nga; của Trung Quốc và Nga với Nhật Bản… cũng làm thay đổi cục diện thương mại của các nước trên thế giới, tác động gián tiếp và tạo ra một số cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam.

Cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng thủy sản, mà Việt Nam là một trong số những lựa chọn được các doanh nghiệp thủy sản tại nhiều thị trường quan tâm dựa trên năng lực và thế mạnh về chế biến và đảm bảo chất lượng của Việt Nam.