Sao Ta (FMC): Doanh thu tiếp tục sụt giảm, chờ đợi cơ hội bứt phá dịp cuối năm
Theo sơ bộ kết quả kinh doanh theo tháng, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm trong tháng 10 của Sao Ta đạt 1.659 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm chỉ đạt 137 tấn, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số chung tháng 10 đạt 18,45 triệu USD (~443 tỷ đồng), bằng 95% so cùng kỳ năm trước.
Vừa qua, HĐQT Sao Ta đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu năm 2023 giảm 17,5% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 1.030 tỷ đồng, về 4.870 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 100 tỷ, về 300 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh đặt ra trong bối cảnh doanh nghiệp này nói riêng và ngành tôm nói chung gặp phải rất nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay. So với kế hoạch kinh doanh đã được điều chỉnh, Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành 79% mục tiêu doanh thu và 72% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay sau 10 tháng. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo doanh nghiệp, tình hình đơn hàng ở mức cao sẽ được duy trì trong ít nhất 2 tháng tới nhờ mùa lễ hội - cao điểm tiêu thụ cuối năm, nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm tôm chế biến sâu - vốn là thế mạnh của Sao Ta.
Chờ đợi cơ hội bứt phá trong quý IV
Theo chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta vào đầu tháng 10, dựa trên lượng hợp đồng đang có (đến đầu tháng 9) và theo ước tính thận trọng, lợi nhuận cả năm 2023 của công ty“ít nhất đạt 90%” so với năm 2022 trong bối cảnh giá tôm xuống quá thấp (giảm từ 10% - 20% tuỳ cỡ loại). Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Sao Ta hiện nay là Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản. Đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam.
Đáng chú ý, doanh nghiệp cho biết hiện khu nuôi tôm cũ đang thu hoạch đạt khoảng 80% và khu nuôi mới đã thu hoạch xong, dự kiến sẽ thả nuôi lại trong tháng 11 này.
Theo đánh giá gần nhất của SSI Research, sản lượng thu hoạch tại vùng nuôi mới của Sao Ta ước đạt 2.000 tấn, tương đương 10% tổng sản lượng cả năm; qua đó, tăng tỷ lệ cung ứng nội bộ và giúp giảm giá thành sản phẩm.
Nhận định về thị trường tôm thời gian tới, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, thị trường toàn cầu hiện đã qua cao điểm thu hoạch tôm nuôi, nhưng nguồn cung ứng tôm thành phẩm vẫn dồi dào, chủ yếu do lượng hàng tồn kho trước đó. Điều này khiến giá tôm tiêu thụ còn duy trì mức thấp, tuy có lợi cho người tiêu dùng, nhưng gây thiệt hại lớn cho người nuôi, và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng tôm sau này.
"Đáng chú ý, mặc dù hàng tồn kho của một số quốc gia đối thủ chính của tôm Việt Nam như Ecuador và Ấn Độ còn ở mức khá cao, nhưng chủ yếu là hàng sơ chế, do đó hàng chế biến sâu vốn là lợi thế của ngành tôm Việt Nam có điều kiện thuận lợi để bứt phá trong quý IV", Chủ tịch Sao Ta nhận định.