Sao Ta (FMC) hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2023
Trong đó, trừ lĩnh vực chính tăng trưởng nhẹ thì hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều giảm sút như: tôm thành phẩm chế biến đạt 21.198 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ; nông sản chế biến đạt 1.569 tấn, giảm 20,8%; sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 17.407 tấn, giảm 3,7%; và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 1.366 tấn, giảm 24,2%.
Nhìn về kết quả đạt được trong năm 2023, doanh nghiệp cho biết, nhìn chung năm 2023 có những khó khăn khá nặng nề, Công ty không thể tránh nhưng đã nỗ lực hạn chế tối đa mặt tiêu cực, tuy hoạt động có giảm về doanh số nhưng cơ bản do giá tiêu thụ trung bình giảm khoảng 10%.
Ngoài ra, tuy tình hình nuôi tôm cả năm không tốt nhưng vùng nuôi của Công ty đã có kết quả khá khả quan, góp phần giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, dẫn đến mức lợi nhuận khá ổn, đạt trên 300 tỷ đồng (không công bố trước thuế hay sau thuế).
Ngoài ra, Sao Ta cũng nhận định khó khăn đang diễn ra sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít ra ở 6 tháng đầu năm 2024. FMC cũng nhận thức vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn bên Mỹ sẽ là thách thức không nhỏ từ năm 2024, khiến FMC phải có sự tính toán trong kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho mình. Và trước mắt là cùng đồng nghiệp chung tay xử lý từng bước theo tiến trình của bên nguyên đơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Anh Tuấn, cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết từ giữa tháng 11/2023, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.
Như vậy kể từ vụ điều tra chống trợ cấp của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng cách đây 10 năm mà chúng ta đã thắng kiện, ngành tôm đang gặp khó khăn mới vì vụ kiện lần này có tính chất và mức độ phức tạp hơn rất nhiều.
Ngành thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nếu thua kiện
Lý giải thêm về việc ngành tôm cũng như nhiều sản phẩm Việt Nam ngày càng bị Mỹ điều tra phòng vệ thương mại, ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho hay theo thống kê của DOC, 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước đạt 102,5 tỷ USD.
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 94,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 8 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 86,5 tỷ USD - cao thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico (chiếm xấp xỉ 10% tổng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ).
"Biện pháp phòng vệ thương mại luôn song song với hoạt động xuất khẩu. Trường hợp xuất khẩu càng tăng thì nguy cơ bị kiện càng nhiều. Trên thực tế, Mỹ là thành viên WTO khởi xướng điều tra nhiều nhất các vụ việc phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Đồng thời đây cũng là quốc gia điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế, tự vệ", ông Hưng nói.
Tôm là một ngành có kim ngạch cao trong các mặt hàng thuỷ sản nói chung và các sản phẩm xuất khẩu nói chung. Do đó, kết quả cuối cùng của vụ việc không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp được lựa chọn để điều tra, mà có ảnh hưởng tới toàn ngành tôm xuất khẩu Mỹ của Việt Nam.