Sau khi mở rộng, TP. Huế sẽ triển khai các dự án trọng điểm như thế nào?
Đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19 gắn với phát triển kinh tế
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, việc sáp nhập thêm 13 xã, phường là cơ hội để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực. Vì vậy, quy mô, cơ cấu kinh tế, phát triển ngành, các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ có nhiều thay đổi. Trước mắt, thành phố quan tâm đến hạ tầng thiết yếu tại 13 xã, phường mới. Trong đó, tập trung đầu tư những tuyến đường liên vùng liên xã nhằm kết nối hạ tầng từ khu vực trung tâm thành phố đến các xã, phường, tạo bộ mặt cho đô thị Huế trong tương lai cũng như tập trung đầu tư hướng đến đảm bảo đủ các tiêu chí tạo động lực đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
UBND TP. Huế cho biết năm 2021, có 7 dự án trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn gồm: Tiếp tục thực hiện Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố (do Chính phủ Nhật Bản tài trợ); Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế; Dự án chỉnh trang khu dân cư kết hợp khai thác di tích Hổ Quyền - Voi Ré.
Các dự án chỉnh trang đô thị như: Chỉnh trang 2 bờ sông Hương; Dự án chỉnh trang các tuyến đường trung tâm Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân, Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo...; Chỉnh trang công viên, điện chiếu sáng, các khu vực trung tâm; tuyến đường dọc sông Hương (đoạn từ Cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa); nâng cấp mở rộng đường Hà Nội, TP Huế; Dự án di dời nghĩa địa khu vực Ngự Bình – Núi Bân; các dự án do KOICA tài trợ.
Ngoài những dự án trên, một số dự án khác cũng được TP. Huế đẩy mạnh triển khai sau khi điều chỉnh mở rộng, sáp nhập 13 địa phương khác vào TP. Huế. Mới đây, UBND TP. Huế đã quyết định đầu tư hơn 17 tỷ đồng dự án điện chiếu sáng các tuyến đường liên phường, xã nhiều địa phương vừa sáp nhập vào TP. Huế khi mở rộng.
Một trong những dự án quan trọng là điểm nhấn trong công tác chỉnh trang đô thị Huế và không gian hai bờ sông Hương là dự án xây dựng bờ kè và tuyến đường dạo bộ đoạn từ cầu Dã Viên lên chùa Thiên Mụ. Đây là dự án nhằm hoàn chỉnh không gian, cảnh quan của tuyến đường đi bộ, xe đạp nói riêng và cảnh quan hai bên bờ sông Hương nói chung. Hiện, các hạng mục, công trình cơ bản hoàn thành, phục vụ nhu cầu vui chơi, dạo bộ của người dân.
Việc mở rộng TP. Huế đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển nhưng cũng đối mặt không ít thách thức, khó khăn. Thời gian tới, TP. Huế tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng chống dịch Covid-19, tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quy hoạch, nhất là ở 13 xã phường vừa sáp nhập, đồng thời tăng cường quản lý đất đai môi trường, đổi mới tư duy, năng lực. Với mục đích hoàn thiện hạ tầng giao thông, tiếp tục tạo diện mạo khang trang, hiện đại, văn minh, thông minh cho Huế - đô thị trung tâm - đô thị động lực, thúc đẩy toàn tỉnh phát triển toàn diện và mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có...
Phát triển và bảo tồn đô thị di sản
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng việc mở rộng TP Huế là tất yếu, thậm chí là phải diễn ra sớm hơn.
Lần mở rộng này là chuyển dịch địa giới hành chính phù hợp với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế, trong đó có nội dung quan trọng là đưa Thừa Thiên-Huế lên TP trực thuộc trung ương” – ông Hoa nói.
Theo ông Hoa, cần phải nhìn nhận đô thị di sản Huế không chỉ là di tích cố đô, gắn với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng trên địa bàn, mà đây là một kinh đô lịch sử sống động, một thành tựu của nền kiến trúc cảnh quan Việt Nam. Đô thị di sản với mật độ các công trình kiến trúc và danh thắng chiếm hầu hết vị trí đắc địa, đã không còn chỗ cho các ý tưởng đầu tư bất động sản trong lòng một TP Huế nhỏ nhoi, quy mô chỉ 70,99 km2.
Bên cạnh đó, nhiều khu vực là một thành tố của đô thị di sản Huế lại ngủ quên trong khung cảnh hoang vắng của các huyện (gần đây mới chuyển thành thị xã). Không gian phát triển đô thị mới của tỉnh chưa có điều kiện gắn kết với không gian đô thị di sản truyền thống, chưa hình thành nổi khu vực đô thị mới năng động hòa hợp với đô thị di sản.
“Vì vậy đã nhiều năm trước đây, TP Huế không thể thu hút nổi những dự án đầu tư bất động sản có quy mô lớn; trong lúc khu vực các đô thị mới manh nha chưa gắn kết được với đô thị trung tâm như một tổng thể để hấp dẫn nhà đầu tư” – ông Hoa nói.
Việc mở rộng TP Huế nhưng khu vực không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị di sản cần được bảo vệ và quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt các hình thái kiến trúc, cảnh quan. Tập trung quy hoạch lại các vùng dân cư, giải tỏa các khu vực xâm lấn di tích; làm sống lại không gian sinh hoạt, không gian văn hóa của cố đô; tạo ra các sản phẩm, các dịch vụ tạo nguồn thu cho người dân và tăng giá trị kinh tế của vùng di sản.
Ngoài ra, khu vực không gian cảnh quan đặc biệt của Huế dọc hai bờ sông Hương, ít nhất từ khu vực lăng Gia Long về cửa biển Thuận An phải thực hiện quản lý không gian cây xanh, công viên, mặt nước và hệ thống công trình kiến trúc cảnh quan hai bên bờ.
Ông Hoa cũng cho rằng ngoài trục giao thông, đồng thời là trục phát triển kết nối đô thị di sản Huế với các đô thị động lực của các huyện, thị xã, tỉnh nên mạnh dạn đầu tư mở trục phát triển mới theo hướng đông – tây, kết nối Huế – Thuận An và tuyến giao thông ven biển, ven đầm phá.
Đồng thời, nó mở ra không gian kiến trúc cảnh quan của một vùng đô thị mới, góp phần bồi đắp làm sang trọng thêm vẻ đẹp của di sản cảnh quan vùng biển và đầm phá Tam Giang nhiều tiềm năng, lâu nay chưa được đánh thức để đô thị Huế có thêm hướng phát triển ra biển Đông.