Sẽ thanh tra và xử lý nghiêm việc lách luật bán trái phiếu doanh nghiệp

07:00 | 12/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng về việc sẽ thanh tra và xử lý nghiêm một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có dấu hiệu phạm luật.

Cùng với sự tăng trưởng và phát triển mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, số lượng mua trái phiếu riêng lẻ của các đầu tư đang có xu hướng tăng rất nhanh. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các kênh đầu tư khác có nhiều rủi ro, trong khi nhiều doanh nghiệp lại sử dụng “mồi nhử” lãi suất cao, trung bình cao gấp 1,5 lần so với lãi suất huy động của ngân hàng để huy động vốn từ nhà đầu tư.

Mới đây, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát đi thông báo: Ngay sau khi nhà nước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, Ủy ban Chứng khoán sẽ thanh tra các công ty chứng khoán trong việc phân phối, chào mời nhà đầu tư không đủ điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Đồng thời, sẽ quyết liệt và xử lý nghiêm minh nếu các công ty chứng khoán để xảy ra sai phạm.

Ủy ban Chứng khoán sẽ thanh tra và xử lý chào mời bán trái phiếu doanh nghiệp cho đối tượng không đủ điều kiện. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính này, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, kể từ khi Nghị định 153 có hiệu lực, xu hướng doanh nghiệp chọn lựa hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng cũng gia tăng tích cực. Điều này là tín hiệu tốt cho thị trường trái phiếu, tạo sự minh bạch và an toàn hơn so với việc doanh nghiệp tập trung quá nhiều vào kênh phát hành riêng lẻ như trước.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Chứng khoán, thị trường đang xuất hiện tình trạng “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, xuất hiện một số trường hợp một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian chào mời và phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tới các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, thời gian gần đây, cơ quan quản lý đã tăng cường nhiều biện pháp giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong việc tư vấn và chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra thị trường.

“Hiện, Ủy ban Chứng khoán đã có kế hoạch thanh tra một số công ty chứng khoán khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn. Đồng thời, sẽ quyết liệt và xử lý nghiêm minh nếu các công ty chứng khoán để xảy ra sai phạm”, đại diện cơ quan quản lý cho biết.

Hiện tại, cơ quan này đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2020; trong đó, sửa đổi, bổ sung hành vi trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ để mô tả phù hợp hơn với quy định tại Nghị định 155 và Nghị định 153 về hoạt động chào bán, phát hành riêng lẻ.

Cụ thể, dự thảo đang đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 8, Nghị định 156 như sau: Lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng đối tượng theo quy định pháp luật; không đảm bảo việc chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, có thể kiểm chứng được, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ quản lý, giám sát công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Đồng thời, trên cơ sở giám sát của sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước theo quy định.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền tới nhà đầu tư, các tổ chức phát hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian trong việc tuân thủ các quy định pháp luật trong việc phát hành, cung cấp dịch vụ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059 gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc này xuất phát từ thực tế bên cạnh những tác động tích cực đối với doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

 

Cần có tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, rủi ro của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chính là nằm ở lãi suất. Lãi suất trái phiếu được phát hành càng cao thì càng rủi ro. Từ năm ngoái đến nay, mặt bằng chung của lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 11%-12%/năm, cá biệt 16%/năm ở một vài doanh nghiệp. Mức lãi suất trả cho nhà đầu tư mua trái phiếu được quảng cáo trên 16%/năm sẽ có mức độ rủi ro rất cao. Ở thời điểm doanh nghiệp gặp tổn thương do dịch bệnh như hiện tại, nhà đầu tư càng nên cẩn trọng.

TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa NH - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, phát hành trái phiếu là xu hướng tất yếu trên thị trường bởi đây là kênh giúp doanh nghiệp huy động vốn khi việc tiếp cận tín dụng NH gặp khó khăn.

"Đã có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao để thu hút nhà đầu tư. Nhưng một thời gian sau, nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí phá sản thì người nắm giữ trái phiếu đòi ai? Do đó, muốn kênh huy động vốn này phát triển đối với doanh nghiệp và trở thành kênh đầu tư chuyên nghiệp, thị trường cần những tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp uy tín, được nhà nước cấp phép" - TS Nguyễn Quốc Anh nhìn nhận.

Hà Lan (T/h)