Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp càng cao mức độ rủi ro càng lớn

17:25 | 03/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho hay, với những trái phiếu doanh nghiệp có mức an toàn cao nhất sẽ không có chuyện lãi suất cao.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng phát hành TPDN đã tăng vọt trong quý 2/2021 với 164 nghìn tỷ đồng, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý 1/2021 và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các ngân hàng thương mại dẫn đầu về lượng phát hành trong quý 2/2021, tổng cộng 67 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng lượng phát hành trong quý.

Số liệu từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI Reasearch, tính chung nửa đầu năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020. Dẫn đầu về lượng phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) với 92,3 nghìn tỷ đồng – chiếm 44,2%; sau đó đến các ngân hàng với 68,2 nghìn tỷ đồng – chiếm 32,7%...

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp càng cao mức độ rủi ro càng lớn - ảnh 1

Những trái phiếu có độ an toàn cao nhất khó có lãi suất 12 đến 13%.

Trong quý 2/2021, lãi suất phát hành bình quân của các TPDN (loại trừ trái phiếu ngân hàng) là 9,95% - giảm 33 điểm phần trăm so với quý 1/2021. “Dù lãi suất phát hành TPDN nằm trong xu hướng giảm từ quý 3/2020 đến nay nhưng rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi. Chênh lệch giữa lãi suất phát hành TPDN và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao khiến thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021” – SSI Reasearch thông tin.

Cũng có chung nhận định, báo cáo thị trường trái phiếu quý 2/2021 của Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết, thị trường sơ cấp TPDN sôi động trở lại trong quý 2/2021, với 85 doanh nghiệp phát hành 122.005 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, tăng 274,5% so với quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 98%. Đáng chú ý, tại báo cáo này, VnDirect cho biết lãi suất TPDN BĐS ở mức khá cao so với lãi suất tiền gửi, lên đến 13%/năm.

Tổng cộng, trong nửa đầu năm 2021, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11 nghìn tỷ trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu BĐS, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Lượng mua này chỉ bằng 47% lượng các nhà đầu tư cá nhân đã mua trong cùng kỳ 2020 và phù hợp với định hướng của các cơ quan quản lý trong các quy định mới trên thị trường TPDN.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), sự phát triển nhanh của thị trường TPDN thời gian qua đang đặt ra một số rủi ro đối với thị trường này. Trong đó các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường.

Về phía các nhà đầu tư trái phiếu nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Chính vì vậy theo ông Nguyễn Hoàng Dương, trước hiện tượng một số DN phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, đơn vị này đã cung cấp thông tin để Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý, giám sát việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho hay, trái phiếu tốt hay không tốt nếu chỉ đặt ở góc độ rủi ro thì dễ nhưng góc độ tìm trái phiếu phù hợp thì hoàn toàn khác. Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán, tổ chức tư vấn, sẵn sàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, nhà tạo lập thị trường đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp sau khi phát hành sơ cấp. Nếu nhà đầu tư chọn doanh nghiệp có tổ chức là công ty chứng khoán uy tín, có ngân hàng đứng đầu cung cấp dịch vụ tài sản đảm bảo thì việc lựa chọn đó là an toàn cho nhà đầu tư. Đó là những trái phiếu có độ an toàn cao nhất, nhưng mức lãi suất sẽ không có 12-13%.

“Trái phiếu lãi suất 12-13% thường là những doanh nghiệp không có nhiều tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, được các ngân hàng và công ty chứng khoán làm dịch vụ tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành đánh giá có độ rủi ro cao nên lãi suất 12-13%. Quyết định đầu tư vào trái phiếu lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng thì các nhà đầu tư cần xem xét cẩn thận về doanh nghiệp, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành đảm bảo mình đánh giá được mức độ rủi ro của doanh nghiệp đó”, ông Quỳnh nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - ngân hàng bày tỏ lo ngại, trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không ai có thể dám chắc rằng không bao gồm những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong giai đoạn vô cùng khó khăn của nền kinh tế, đây không phải lúc để nhà đầu tư bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.

Xuân Tùng