Sức ép dồn về lạm phát cuối năm, nhưng 'trong nguy có cơ'

P.V 13:56 | 07/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay là thách thức, tuy nhiên 'trong nguy có cơ'.

Sức ép dồn về lạm phát cuối năm 

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 7 mới đây, SSI Research nhận định áp lực lạm phát Việt Nam đang gia tăng, tuy nhiên có độ trễ so với thế giới.

Lạm phát trong quý II đã bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc, khi chỉ số CPI đạt 3,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6, từ mức 2,86% trong tháng 5 với xu hướng tăng được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành. Do đó, lạm phát cơ bản cũng tăng lên 2% so với cùng kỳ (so với tháng 5: 1,6%) - mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2020.

Bên cạnh sự gia tăng đáng kể trong chi phí vận tải (3,62% so với tháng trước), giá lương thực, thực phẩm (0,8%) cũng đã được điều chỉnh dưới tác động gián tiếp của giá xăng dầu. Cụ thể, giá nhóm thực phẩm đã tăng lên mức 2,3% (so với 1,3% trong tháng 5).

Điểm tích cực là lạm phát bình quân trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát chặt chẽ ở mức 2,44%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 4% của Chính phủ.

Các động lực chính ảnh hưởng đến lạm phát trong nửa đầu năm là các sản phẩm xăng dầu (xăng, LPG,...) và vật liệu xây dựng, trong khi yếu tố hỗ trợ bao gồm giá thực phẩm (giảm 0,4%, chủ yếu đến từ giá thịt lợn), học phí (vì được hỗ trợ trong đại dịch COVID-19) và giá viễn thông.

 

Tuy nhiên, theo SSI Research, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Tổ chức này cho rằng mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát (ước tính 3,5%), lạm phát tại thời điểm cuối tháng 12 có thể bật lên mức 5% so với cùng kỳ. Điều này cũng khiến mức lạm phát bình quân, đặc biệt ở nửa đầu năm 2023 có thể đẩy lên mức cao trên 4%.  

"Trong nguy có cơ"

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 29/6 về sức ép lạm phát của Việt Nam trong năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định việc kiểm soát lạm phát dưới mức mục tiêu 4% trong năm nay là thách thức lớn.

Bà Hương cho biết Tổng cục Thống kê hiện đã có những kịch bản dự báo cho thấy mục tiêu lạm phát 4% là khó khăn và diễn biến lạm phát trong thời gian tới là khó lường do còn phụ thuộc vào tình hình chiến sự ở Ukraine hay các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước châu Âu với Nga và hậu quả của nó. "Rất nhiều chuyên gia đang cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, do đó ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu là khó dự báo", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

Tuy nhiên, bà Hương chỉ ra rằng cho đến nay, lạm phát ở Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức ổn định, một phần do sự khác biệt về giỏ hàng hóa tính CPI so với các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu. Cụ thể, trong giỏ hàng hóa tính CPI của Mỹ, giá xăng dầu chiếm từ 8-10% quyền số; còn tại châu Âu thì con số này khoảng 6-7%. Trong khi quyền số xăng dầu trong giỏ hàng tính CPI của Việt Nam chỉ 3,56%, tức chưa đến 4%.

Ngược lại, trong giỏ hàng hóa tính CPI của Việt Nam, quyền số lương thực thực phẩm cao hơn các nước như Mỹ hay châu Âu. Điều này một phần phản ánh thói quen chi tiêu của người Việt Nam.

“Trong khi đó, cần lưu ý: Việt Nam vừa có xuất khẩu dầu thô, vừa có sản xuất xăng dầu trong nước (chiếm khoảng 60-70% nguồn cung trong nước), do đó phần nào chúng ta làm chủ được nguồn cung. Tất nhiên vừa qua, nhà máy Nghi Sơn có một số trục trặc sản xuất nhưng nguồn cung xăng dầu ra thị trường vẫn đảm bảo ở mức nhất định. Điều này khác với những nước không có dầu, không sản xuất được xăng dầu và phải đi nhập khẩu, thì áp lực tăng CPI rất lớn.

Cùng đó, một nguyên nhân khác CPI của nhiều nước trên thế giới tăng lên rất cao là do nhóm lương thực tăng giá mạnh do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Xuất khẩu lúa mì từ Nga, Ukraine ảnh hưởng đến khoảng 30-40% nguồn cung lương thực trên thế giới. Trong khi tại Việt Nam, chúng ta không chỉ đảm bảo được nguồn cung lương thực mà còn xuất khẩu mạnh mẽ ra thế giới. Việc chủ động được nguồn cung lương thực cũng là một lợi thế giúp Việt Nam bình ổn được giá cả", bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hương,  Chính phủ hiện cũng đã có những biện pháp tăng cường nguồn cung, tăng cường và đảm bảo lưu thông hàng hóa, giảm thấp nhất mức tăng giá để kiểm soát lạm phát. "Chúng ta chưa tăng lãi suất để cố gắng đảm bảo ổn định chi phí đầu vào, hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh".

"Tăng trưởng hay kiểm soát lạm phát cũng chỉ là công cụ, mục tiêu cuối cùng là đời sống nhân dân, vì vậy đích đến cuối cùng phải là làm thế nào trong bối cảnh khó khăn như vậy vẫn đảm bảo được đời sống nhân dân", vị Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.