Tại một quốc gia, tỷ lệ lạm phát đã lên tới 79%, nền kinh tế quay cuồng trong 'bão giá'
Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại quốc gia này đã tăng vọt lên 78,62% trong tháng 6, vượt qua mọi dự báo và là mức lạm phát hàng năm kỷ lục trong vòng 24 năm gần đây.
So với tháng 5, chỉ số lạm phát tháng 6 của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 4,95%.
Giá tiêu dùng tăng vọt đang tác động nặng nề đến đời sống và sinh hoạt của người dân tại quốc gia 84 triệu dân, trong bối cảnh yếu tố bình ổn giá vắng bóng do chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, giá lương thực và thực phẩm ngày một lên cao trong khi đồng nội tệ lira mất giá mạnh mẽ.
Dữ liệu Chính phủ cho thấy nhóm hàng giao thông, thực phẩm và đồ uống không cồn là các nhóm hàng ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất, tăng lần lượt 123,37% và 93,93% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, đồng lira tiếp tục mất giá mạnh làm giảm đáng kể sức mua của người dân do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vài năm gần đây đã không thực hiện đợt tăng lãi suất đáng kể nào để hạ nhiệt lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng. Ngược lại, ông Erdogan gây áp lực cho ngân hàng trung ương quốc gia liên tục cắt giảm lãi suất cho vay trong năm 2020-2021 để hỗ trợ nền kinh tế ngay cả khi lạm phát tiếp tục nóng lên.
Điều này khiến các nhà phân tích chỉ trích rằng ngân hàng trung ương không duy trì sự độc lập với Chính phủ. Các quan chức ngân hàng trung ương đi ngược lại quan điểm giảm lãi suất được cho là đã bị sa thải và cơ quan này chứng kiến nhân sự biến động liên tục. Tờ CNBC thông tin ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã thay 4 Thống đốc trong vòng 2 năm.
Các động thái giảm lãi suất đã đưa mặt bằng lãi suất chung giảm dần xuống 14% vào quý III/2021 và duy trì ở mức đó cho đến nay. Tỷ giá đồng lira với USD do đó trượt dài, suy yếu 44% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 21% từ đầu năm đến nay.
Trước tình cảnh này, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục duy trì quan điểm không tăng lãi suất mà tìm các cách khác để duy trì sức mạnh đồng nội tệ. Cuối tháng 6 vừa qua, cơ quan quản lý ngân hàng quốc gia đã đưa ra lệnh cấm vay bằng đồng lira với những công ty nắm quá nhiều ngoại tệ. Động thái này hỗ trợ sức mạnh đồng lira trong thời gian ngắn, nhưng lại thổi bùng lo ngại về sự bất ổn của hệ thống tài chính quốc gia và khiến các nhà đầu tư đặt nhiều câu hỏi về tác dụng của biện pháp trong dài hạn.