Tác động của việc Fed tăng lãi suất với VND của Việt Nam

Khắc Hiếu/ TTXVN 11:33 | 07/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo trang phân tích Asia Briefing, trong cuộc họp hai ngày kết thúc hôm 2/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, một động thái sẽ củng cố đồng USD.

Quyết định của Fed được đưa ra sau một loạt các đợt tăng lãi suất kể từ đầu năm nhằm hạn chế tình trạng lạm phát phi mã lên mức cao nhất trong gần 40 năm qua ở Mỹ.

 

Đồng USD mạnh hơn có ý nghĩa sâu rộng đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Trong khi đây có thể là lợi thế cho các nhà xuất khẩu thực hiện các hợp đồng bằng USD, thì hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn cũng như thực hiện các nghĩa vụ nợ. Do đó, Việt Nam, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), đã nỗ lực để giữ ổn định giá trị của đồng Việt Nam (VND) bằng một số đòn bẩy.

Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá như thế nào?

NHNNVN có một số công cụ có thể sử dụng để ổn định tỷ giá hối đoái và kiểm soát lạm phát.

Thứ nhất là quản lý tỷ giá thả nổi. Đồng VND hiện đang được điều hành theo chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, giống như chế độ neo tỷ giá hối đoái điều chỉnh dần (phương pháp neo bò - crawling-peg), với đồng USD. NHNNVN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày. Sau đó, đồng tiền chỉ có thể được giao dịch trong một biên độ theo các tỷ giá quy định của NHNN.

Theo đó, kể từ ngày 17/10, biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD được điều chỉnh từ +-3% lên +-5%, giúp cho VND có thêm nhiều dư địa để hành động. Đầu tuần trước, hãng tin Reuters đưa tin Việt Nam đang chuẩn bị cho khả năng mở rộng biên độ giao dịch lần thứ hai.

Thứ hai là dự trữ ngoại hối. NHNN cũng đang sử dụng dự trữ ngoại hối của Việt Nam để tăng giá đồng VND. Theo một số ước tính, trong năm nay Việt Nam đã bán ra khoảng 20 tỷ USD để bình ổn tỷ giá trong nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cuối năm 2021, Việt Nam có tổng dự trữ ngoại hối hơn 109 tỷ USD và việc bán ra khoảng 20 tỷ USD chiếm hơn 18% dự trữ, một phần khá lớn trong quỹ dự trữ khá mỏng của Việt Nam.

Thứ ba là giới hạn room tín dụng. NHNN cũng giới hạn mức cho vay của các ngân hàng Việt Nam. Các hạn mức này được đưa ra từ đầu năm dựa trên tỷ lệ lạm phát mục tiêu cũng như xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng (các ngân hàng có bảng cân đối kế toán lành mạnh sẽ được giới hạn cao hơn).

Điều đó cho thấy, những giới hạn này thường được điều chỉnh lại. Trong suốt năm 2022, điều này đã xảy ra nhiều lần để đáp ứng nhu cầu tín dụng cao hơn. Với việc nhiều ngân hàng đã tăng tối đa hạn mức tín dụng, nhu cầu đó vẫn còn mạnh.

Thứ tư là lãi suất. Không chỉ quy định lãi suất cơ bản, NHNN còn quy định lãi suất tối đa đối với cả tiền gửi và cho vay. NHNN cũng đặt các mức lãi suất khác nhau cho các sản phẩm khác nhau. NHNN bắt đầu tăng các mức lãi suất điều hành vào ngày 9/9/2022 sau khi giữ nguyên lãi suất trong gần hai năm và lần tăng thứ hai diễn ra vào ngày 25/10 vừa qua.

Những tác động của việc NHNN can thiệp vào tỷ giá hối đoái

Việc quản lý tỷ giá hối đoái là một hành động cân bằng mà có thể đem lại cả lợi ích lẫn thách thức.

Thứ nhất là đồng VND vẫn tương đối ổn định. Kể từ đầu năm đến nay, VND chỉ mất giá khoảng 9% so với USD. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc các đồng tiền khác trong khu vực mất giá nhiều hơn so với USD.

Thứ hai là kiều hối sẽ thấp hơn. Mặc dù đồng VND vẫn tương đối ổn định, các đồng tiền tự do hơn ở các nền kinh tế phát triển lân cận đã có sự sụt giảm đáng kể hơn nhiều so với USD. Theo tin tức trong nước, điều này đang làm giảm giá trị của lượng kiều hối gửi về từ người lao động ở nước ngoài. Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, chiếm khoảng 90% lao động Việt Nam ở nước ngoài, đều chứng kiến đồng tiền của họ giảm giá so với VND.

Thứ ba là tình trạng thiếu tín dụng đang tác động đến các doanh nghiệp. Do giới hạn kiểm soát tín dụng, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Điều này đặc biệt được cảm nhận trong ngành nhiên liệu khi không chỉ giá dầu tăng do đồng VND giảm giá, mà giá nhiên liệu cũng tăng theo. Điều này đã dẫn đến những thách thức đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định và tình trạng thiếu hụt ở một số khu vực.

Điều gì xảy ra tiếp theo với VND?

Dù mới chỉ vài ngày kể từ khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, nhưng giá trị của VND đang có dấu hiệu tiếp tục giảm. Có thể NHNN sẽ cần phải can thiệp sâu hơn để ngăn chặn sự suy giảm đó, nhưng các biện pháp này cũng có những hạn chế. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ ở mức hữu hạn và việc hạn chế tín dụng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn trước khi bắt đầu tác động đến nền kinh tế.