Tài sản đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp phải trung thực

15:18 | 07/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhấn mạnh của TS. Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tài sản đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Tài sản đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp phải trung thực - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Theo thống kê của các chuyên gia phân tích SSI, trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp phát hành 341 nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Tuy nhiên, cũng theo thống kê này, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đều không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo là cổ phiếu - dễ giảm giá, thậm chí về 0 nếu doanh nghiệp phá sản.

Nếu loại trừ 98 nghìn tỷ đồng TPDN không có thông tin về tài sản đảm bảo và toàn bộ 101,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và CTCK không có tài sản đảm bảo, số trái phiếu có tài sản đảm bảo là 43,5 nghìn tỷ.
 
Đánh giá về vấn đề tài sản đảm bảo TPDN, TS.Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng trong tình hình hiện nay, chưa thể đòi hỏi một thị trường trái phiếu ổn định được.

Có thể vẫn phải trả giá


Theo TS.Vũ Bằng, thị trường TPDN Việt Nam cần các tổ chức xếp hạng tín nhiệm theo khuyến nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, nếu đưa ra yêu cầu xếp hạng tín nhiệm cứng quá sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Một công ty xếp hạng tín nhiệm chất lượng cũng đòi hỏi một thời gian nhất định mới đi vào hoạt động hiệu quả. Thêm nữa, nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp rất nhiều, nếu yêu cầu kiểm toán báo cáo tài chính thì số lượng tổ chức kiểm toán không đủ. Doanh nghiệp chậm chân khi muốn lên thị trường.
 
“Cái gì mình cũng phải từng bước, phải chấp nhận có rủi ro, rồi hoàn thiện dần. Tôi nghĩ vẫn phải có một thời gian và có thể vẫn phải trả giá. Thị trường TPDN cũng như TTCK, nhà đầu tư đã trưởng thành rất nhiều. Tuy nhiên, đôi khi lòng tham có thể làm họ quên đi nỗi sợ hãi cũ. Nhà nước không thể như “quan phụ mẫu” mà bảo vệ được tất cả. Cơ bản nhất là phải tăng cường minh bạch về giao dịch và sở hữu. Minh bạch doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết phải tốt hơn, chuẩn mực kế toán phải theo tiếp cận quốc tế”, TS.Vũ Bằng chia sẻ.

Vấn đề quản trị doanh nghiệp phải kéo dài khoảng 3-4 năm, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán theo chuẩn mực kia cũng phải 5-6 năm, trong thời gian đó, hoạt động quản lý thị trường TPDN phải tùy từng vấn đề để làm sao cho thích hợp.

“Rủi ro là một chuyện, nhưng mình phải nghĩ tới yếu tố rất quan trong là huy động vốn, tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Không vì một vài trường hợp không tốt mà mình lại thu hẹp khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp lành mạnh, tốt là không nên”, theo TS.Vũ Bằng.

Đối với thị trường TPDN, chất lượng tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp phải hiểu cho đúng để thu hút nhà đầu tư hơn.

Điều kiện để thu hút nhà đầu tư, ngoài tính minh bạch về chuẩn mực kế toán, quản trị công ty, công bố thông tin thì vấn đề tài sản đảm bảo cũng là một yếu tố. Nếu anh có tài sản đảm bảo thì sẽ được nới lỏng điều kiện để có thể tiếp cận vốn tốt hơn, nhưng cũng đặt ra vấn đề chất lượng tài sản đảm bảo và tính trung thực của tài sản đảm bảo.

“Tài sản đảm bảo cho TPDN không đòi hỏi tất cả đều tốt, nhưng phải trung thực. Tôi dùng từ trung thực vì tốt xấu của doanh nghiệp phải thể hiện được rõ, nhưng phải làm sao đủ thông tin để nhà đầu tư xem xét. Câu chuyện lại quay trở lại vấn đề minh bạch của doanh nghiệp, quay trở lại chuẩn mực kế toán để nhà đầu tư xem xét. Doanh nghiệp quản trị tốt thì minh bạch tốt, hệ thống đánh giá tài sản đó nếu có thị trường hoạt động thì việc đo lường của thị trường sẽ thuận lợi hơn. Chuẩn mực hợp đồng, chế tài xử phạt là rất quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Tôi thì tôi vẫn nghĩ chuyện là đã là chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp thì đừng nên nặng nề quá việc bảo vệ nhà đầu tư. Điều đó sẽ biến khả năng tiếp cận vốn khó khăn. Phát hành ra công chúng đã làm khắt khe rồi nên phát hành TPDN riêng lẻ cần phải có cơ sở mở ra cho doanh nghiệp đi vào, tạo sự phát triển cho thị trường”, TS.Vũ Bằng nói.
 
 
Tài sản đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp phải trung thực - ảnh 2
TS.Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Với nhận định này, chuyên gia Vũ Bằng khuyên nhà đầu tư phải là nhà đầu tư thông minh. Đó là giảm bớt lòng tham, đừng vì chạy theo lãi suất cao đột biến mà gánh chịu nhiều rủi ro: “Nhà đầu tư phải so sánh mặt bằng lãi suất với các nơi, đối tượng phát hành là thế nào. Tiếp đó, nếu có người đứng ra phát hành hộ thì phải xem tính chất hộ ở mức nào. Có khi đứng tên một công ty chứng khoán phát hành nhưng lại chỉ là phát hành hộ cho doanh nghiệp thôi thì mình phải xem doanh nghiệp đó, phải xem họ có tài sản đảm bảo không, có liên quan đến lĩnh vực rủi ro nhiều không? Ví dụ, thời kỳ này đang thừa bất động sản, thời kỳ kia đang thừa lĩnh vực khác, nhà đầu tư phải xem xét, cân nhắc thị trường để nhìn nhận lãi suất. Cái này không chỉ đúng bây giờ mà cả khi thay thế bằng một nghị định mới, nhà đầu tư vẫn phải như vậy”.

Hai “lỗ hổng” cần nghị định mới thay thế


Chuyên gia Vũ Bằng cho rằng, “khiếm khuyết” của Nghị định 163 quy định về phát hành TPDN và Nghị định số 81 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163 ở chỗ quy định chào bán riêng lẻ theo định nghĩa dựa trên một phần của Luật Chứng khoán (cũ). Đó là chào bán riêng lẻ là chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu chứng khoán chuyên nghiệp.

Tức là, muốn tránh rủi ro, quy định trên khống chế việc bán cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ trong phạm vi dưới hoặc bằng 100 thôi. Trên 100 phải tuân thủ rất chặt chẽ Luật Chứng khoán, quy định kiểm toán. Chào bán riêng lẻ cũng phải kiểm toán và 2 năm có lãi, không có lỗ lũy kế đến năm chào bán... Thực tế cho thấy, nếu bán cho dưới 100 nhà đầu tư hoặc 1000 nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn được, vì nhà đầu tư chuyên nghiệp có đủ năng lực để bảo vệ họ. Còn chào bán riêng lẻ, có một “lỗ hổng” là được bán cho trên dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng sau 1 năm thì lại được chuyển nhượng tự do - chào bán ra đại chúng.

Khi cần, doanh nghiệp huy động lãi suất rất cao, sau đó bán lại trái phiếu cho rất nhiều người riêng lẻ, thậm chí huy động cho một số ít người, sau đó xé ra bán lẻ sau một năm. Hoặc có thể phát hành ra riêng lẻ nhưng thực ra phát hành để lấy tên tuổi phát hành, sau 1 năm mới bán lẻ ra và hệ thống công ty chứng khoán bán lẻ với lãi suất rất cao, bán cho rất nhiều người thì điều đó tạo rủi ro. Phải đặt dưới Luật Chứng khoán (mới) để chặn “lỗ hổng” thứ nhất này.

Theo ông Bằng, “lỗ hổng” thứ hai là quy định 100 nhà đầu tư cho trường hợp phát hành TPDN nhỏ lẻ là tương đối lớn, vì các nước thường chỉ cho 10-50 nhà đầu tư không phải chuyên nghiệp chào riêng lẻ.

“Nghị định thay 163 vướng Luật Chứng khoán (cũ). Những vướng mắc này cũng là lý do cho sự ra đời của Nghị định 81- ra đời trong thời điểm Luật Chứng khoán (mới) chưa chính thức có hiệu lực. Nghị định 81 chỉ tạm thời thay thế nhằm kiểm soát rủi ro từ hiện tượng TPDN bán ra ồ ạt ngoài thị trường. Tuy nhiên, một số ràng buộc mà Nghị định 81 đưa ra không phù hợp với thông lệ quốc tế, nghị định này được dự định thay bằng một nghị định mới sau khi Luật Chứng khoán (mới) có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.

Minh Hoa