Tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, xuất khẩu sang EU tăng mạnh trong quý I

09:54 | 08/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I năm nay, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 3 Việt Nam với giá trị hàng hoá đạt 9,6 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xếp hạng thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2021, EU là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt  9,6 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chiều ngược lại nhập khẩu sang EU đạt 4 tỷ USD, tăng 15,4%.
 
Như vậy, từ số siệu trên cho thấy, xuất siêu trong 3 tháng đầu năm nay từ Việt Nam sang EU là 5,4 tỷ USD tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này đã phần nào cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA.
 
Các mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 có thể kể đến như hạt tiêu tăng mạnh nhất tới 31,5%, gạo tăng 18,6%, cao-su tăng 14,1%, chè 10,2%, cà-phê tăng 6,8%...
 
 Xuất khẩu sang EU tăng mạnh trong quý IKim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2021 ước tính đạt 77,34 tỷ USD
 
Để chinh phục được thị trường khó tính này, không thể không kể tới, các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam với thị trường EU.
 
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh rằng, để hoạt động xuất khẩu thực sự bền vững sang EU, doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý tới quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Theo quy định, chỉ những hàng hóa có xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Khi xuất khẩu hàng hóa vào EU, việc nắm vững và thực hành đúng các quy tắc xuất xứ được quy định sẽ tránh được các rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.
 
EVFTA chính thức đi vào thực thi từ 1/8/2020. Ngay từ thời điểm Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn đã tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu và hưởng ưu đãi thuế quan. Trong đó, thủy sản, gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa... là những mặt hàng nhanh nhạy trong việc đón bắt các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU ngay khi FTA này chính thức được thực thi.
 
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD.
 
Tính cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt trên 34,8 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…
 
H.A