Tăng cường thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng

Hoàng Anh 16:57 | 14/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng, tăng cường thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định số 24; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết), báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu NHNN linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Còn về phía Bộ Công Thương, Chính phủ giao Bộ theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, bảo đảm năng lực sản xuất xăng dầu hiệu quả, đạt sản lượng cung cấp tối đa theo thiết kế của các nhà máy. Nếu có tình huống đặc biệt, Bộ cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6.

Tổng kết lại, Chính phủ yêu cầu các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, diễn biến xung đột tại Ukraine, dịch bệnh COVID-19.

Việc điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp, ứng phó với các vấn đề phát sinh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.