Thị trường tài chính toàn cầu rực lửa, mọi con mắt đổ dồn vào FED

Lê Thị Xuân Phương 14:19 | 14/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường tài chính toàn cầu ngập trong sắc đỏ sau khi dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 5 được công bố làm dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ thông báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tháng 5 cao hơn so với dự báo của giới đầu tư, đạt mức 8,6%. 

Căn nguyên của lạm phát xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm: chuỗi cung ứng gián đoạn đang đẩy giá cả lên cao, đặc biệt là giá năng lượng, và tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. 

Lạm phát làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ có thể khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái. 

Nỗi sợ nền kinh tế rơi vào suy thoái khiến thị trường tài chính toàn cầu "đỏ lửa", nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, tiền điện tử để cắt lỗ hoặc tái định vị lại danh mục đầu tư của mình.

Chứng khoán Mỹ đỏ lửa

Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm sâu trong khoảng 30 phút chốt phiên 13/6. 

Chỉ số S&P 500 giảm mạnh thiết lập mức đáy mới của năm 2022 và chính thức rơi vào "thị trường gấu" khi nhà đầu tư bán tháo trong bối cảnhgia tăng quan ngại về rủi ro suy thoái trước cuộc họp của FED vào hai ngày 14-15/6 tới.

Theo đó, chỉ số S&P 500 giảm 3,88% xuống 3.749,63%, thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và hiện thấp hơn đỉnh tháng 1 hơn 21%. Chỉ số này chốt phiên rơi vào "thị trường gấu" (thấp hơn ít nhất 20% so với đỉnh). Lần gần nhất chỉ số này rơi vào "thị trường gấu" là vào tháng 3/2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

Trung bình, "thị trường gấu" mất 13 tháng để đi từ đỉnh đến đáy và 27 tháng để quay trở lại mức hòa vốn kể từ Thế chiến thứ hai. Chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình 33% trong các thị trường gấu trong thời gian đó. Sự sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1945 xảy ra trong thị trường gấu 2007-2009 khi S&P 500 giảm 57%.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 876,05 điểm, tương đương 2,79%, xuống 30.516,74 điểm, hiện thấp hơn 17% so với đỉnh. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,68% xuống 10.809,23 điểm, chìm sâu vào thị trường giá xuống khi thấp hơn 33% so với đỉnh ghi nhận trong tháng 11/2021.

Cổ phiếu ở châu Á - Thái Bình Dương giảm mạnh vào 13/6, với chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc đều giảm hơn 3%. Chứng khoán châu Âu cũng sụt giảm, với chỉ số Stoxx 600 toàn châu u giảm 2% vào đầu giờ chiều khi một biển đỏ quét qua các tài sản rủi ro toàn cầu.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2007 vào sáng 13/6, vượt xa lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên kể từ tháng 4, một sự đảo ngược được coi là dấu hiệu của một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Bitcoin giảm dưới 21.000 USD

Trong khi đó, thị trường tiền kỹ thuật số cũng đang hoảng loạn khi tâm lý lo ngại rủi ro đè nặng các nhà đầu tư. Giá Bitcoin lao dốc không phanh về vùng 21.000 USD, kéo giá các đồng tiền khác cũng giảm theo khiến sắc đỏ bao trùm thị trường.

Bitcoin đã có chuỗi 7 ngày giảm giá liên tục. Các nhà phân tích dự báo đồng tiền số này còn có thể mất giá sâu hơn nữa. Vào thời điểm 9 giờ ngày 14/6/2022, Bitcoin giao dịch ở mức 20.861,30 USD; biên độ giao dịch, thấp nhất ở 20.861,30 USD và cao nhất ở 22.771,40 USD.

Mọi con mắt đều đổ dồn vào các ngân hàng trung ương

Fahad Kamal, giám đốc đầu tư tại Kleinwort Hambros, nói với CNBC hôm 14/6 rằng: “S&P 500 rời vào "thị trường gấu", khả năng suy thoái gia tăng là kết quả từ cú đấm lạm phát được tuyên bố hôm 12/6". 

Tuần tới sẽ là tuần quan trọng trong cuộc chiến chống lại lạm phát tăng cao của các ngân hàng trung ương và thị trường toàn cầu. Cuộc họp diễn ra vào 14-15/6 để thảo luận về chính sách tiền tệ. FED dự kiến sẽ công bố mức tăng ít nhất 0,5% sau khi đã tăng hai lần trong năm nay. Một số chuyên gia kinh tế nhận định FED có thể tăng lãi suất tới 0,75% ngay trong kỳ họp tới sau khi báo cáo CPI được công bố.

Goldman Sachs cũng nâng kỳ vọng về mức tăng lãi suất của FED, từ 0,5% lên 0,75%. Các nhà kinh tế của Phố Wall cũng dự đoán các đợt tăng lãi suất cơ bản 75 điểm liên tiếp trong tháng 6, tháng 7, tiếp theo là đợt tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 9, sau đó là 25 điểm cơ bản vào tháng 11 và 12, đưa lãi suất cho vay lên khoảng 3,25% -3,5 % vào cuối năm.

Những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm nền kinh tế chậm lại do làm cho việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn. Rủi ro là FED có thể gây ra suy thoái nếu tăng lãi suất quá cao hoặc quá nhanh.