Tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức dễ dẫn đến buôn lậu vàng tăng mạnh?
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý về hồ sơ xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020-NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo VGTA, để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vàng ổn định sản xuất nên quy định thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ bằng 0%.
Hoặc, trong trường hợp, nếu Bộ Tài chính thấy cần hạn chế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng cao từ 95% trở lên thì có thể giữ mức thuế xuất khẩu theo quy định hiện hành tại, tức giữ lại mức thuế 0% đối với vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ dưới 95% trở xuống còn từ 95% trở lên thì vẫn mức 2% thuế xuất khẩu.
Ảnh minh hoạ
Lập luận của VGTA là, nếu áp mức thuế 2% đồng loạt như dự thảo thì chắc chắn các doanh nghiệp vàng sẽ không thể thực hiện xuất khẩu được.
Bởi hiện doanh nghiệp vàng ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đều được hưởng thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu 0%, thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ 0%... Trong khi, doanh nghiệp Việt Nam hiện không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu trong nước luôn cao hơn quốc tế và giảm sức cạnh tranh.
Do đó, để khuyến khích các doanh nghiệp vàng ổn định sản xuất kinh doanh đặc biệt trong thời kỳ dịch COVID-19, VGTA cho rằng có thể quy định thuế xuất khẩu vàng trang sức kỹ nghệ bằng 0%, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và tăng cường xuất khẩu. Dù mức thuế suất 0% nhưng các doanh nghiệp vẫn nộp ngân sách những khoản tiền thuế rất lớn thông qua kênh thuế TNDN, thuế GTGT…
Trong khi đó, nếu quy định mức 2% như dự kiến Bộ Tài chính “chỉ để đơn giản hóa Biểu thuế” và thuận lợi cho công tác Hải quan thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng không thể xuất khẩu được với mức thuế này và con đường đầu tư xuất khẩu cũng bế tắc, nguồn thu ngoại tệ không có và nguồn thu ngân sách thông qua thuế xuất khẩu cũng có thể sẽ bằng 0.
Chưa kể, nếu quy định mức thuế xuất khẩu như dự kiến của Bộ Tài chính là 2% thì việc xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp sẽ không có và xuất khẩu lậu qua biên giới sẽ tăng mạnh và rất khó kiểm soát. Đồng thời cũng gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ do hành vi buôn lậu vàng qua biên giới.
VGTA cũng đề xuất, trước mắt nếu cơ quan quản lý thấy cần hạn chế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng cao từ 95% trở lên, có thể giữ mức thuế xuất khẩu theo quy định hiện hành.
Được biết, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo tờ trình Dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng vàng. Cụ thể, tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2% và gộp dòng theo tên gọi mặt hàng theo đúng Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) mà Việt Nam đã ký kết, không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để đơn giản hóa Biểu thuế.
Theo báo Công an Nhân dân, trong khi giá vàng liên tục mất giá trên thị trường thế giới vào Quý I/2021, xu hướng giá vàng trong nước lại được giữ ổn định, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và trên thế giới liên tục tăng lên. Mức chênh lệch đạt mức cao nhất 8,2 triệu đồng/lượng vào 8/3/2021. Cho đến thời điểm này, dù mức chênh lệch giá có giảm chút ít, quay quanh mốc 7 triệu đồng/lượng, song so với tính toán của các chuyên gia là mức chênh vào khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng là hợp lý, thì rõ ràng giá vàng trong nước đang một mình một chợ, bất chấp đà tăng giảm của thị trường thế giới.
“Giá vàng trong nước liên tục chênh lệch cao so với giá vàng trên thế giới do nguồn cung trở nên khan hiếm sau khi chính phủ siết chặt quản lý đường biên để ngăn chặn dịch COVID-19, trong khi nhu cầu mua vàng vẫn tăng như một tài sản lưu giữ giá trị. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng trước đây một phần lớn nhu cầu vàng trong nước tăng vẫn thường được đáp ứng thông qua các kênh nhập vàng phi chính thức”, Viện Nghiên cứu Chính sách VEPR đặt câu hỏi.
VEPR cho rằng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang củng cố một sự thực về vấn nạn buôn lậu vàng mà trước đến giờ vẫn là câu hỏi của nhiều người.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong năm 2019 các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỷ USD tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2020 xuất khẩu được 2,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tập trung chủ yếu mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng dưới 95%. Riêng Tập đoàn DOJI từ năm 2016-2020 đã xuất khẩu được 53,8 tấn sản phẩm vàng kim hoàn, mỹ nghệ thu về cho đất nước 2,5 tỷ USD. |
H.A
Xem thêm: Chuyên gia kinh tế: Kiến nghị giảm lãi suất 3-5%/năm là viển vông, thiếu thực tế