Tăng trưởng kinh tế châu Âu chững lại trong quý I/2022
Theo số liệu chính thức của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 29/4, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) đã chậm lại trong 3 tháng đầu năm 2022 trong khi lạm phát ở mức cao kỷ lục.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone trong quý I/2022 đã giảm xuống mức 0,2% so với mức 0,3% trong quý IV/2021. Trong khi đó, do giá năng lượng tăng cao, giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 4 đã tăng 7,5%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tăng trưởng của cả khu vực Liên minh châu Âu ở mức 0,4%, giảm so với mức 0,5% trong quý IV/2021.
Đối với các nước thành viên, Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, trong quý đầu tiên của năm 2022, nền kinh tế Đức chỉ đạt tăng trưởng ở mức rất thấp, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng lên mức kỷ lục trong nhiều năm qua.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu của cơ quan trên cho biêt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong quý I/2022 chỉ tăng 0,2% so với quý trước đó.
Một trong những nguyên nhân chính là xung đột tại Ukraine làm tiêu tan hy vọng phục hồi kinh tế mạnh trong năm nay, đồng thời làm trầm trọng thêm các khó khăn của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khiến giá năng lượng tăng mạnh và gây tắc nghẽn nguồn cung các nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian quan trọng.
Mặt khác, chi phí năng lượng cao khiến kim ngạch nhập khẩu của Đức trong tháng 3 tăng 31,1%, mức tăng cao nhất trong gần 48 năm qua.
Trong khi đó, theo cơ quan thống kê INSEE của Pháp, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý I/2022 đã giảm xuống mức 0 khi các gia đình thắt chặt chi tiêu do lạm phát tăng cao và căng thẳng tại Ukraine.
Số liệu này thấp hơn dự báo của ngân hàng trung ương Pháp trước đó nhận định kinh tế nước này trong quý I/2022 sẽ tăng 0,25% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời chấm dứt đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Pháp sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, lạm phát hằng năm ở Pháp đã tăng từ mức 4,5% trong tháng 3 lên 4,8% trong tháng 4.
Cùng chung xu hướng, cơ quan thống kê quốc gia Italy cho biết tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I/2022 giảm 0,2% so với quý trước đó, do khu vực dịch vụ và xuất khẩu đều giảm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Italy vẫn tăng trưởng 5,8%.
Trước đó, Ngân hàng trung ương Italy đã cảnh báo GDP của nước này sẽ giảm trong quý I do số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh vào đầu năm nay và giá năng lượng tăng vọt. Ngày 8/4 vừa qua, ngân hàng này dự báo trong trường hợp xung đột tại Ukraine nhanh chóng kết thúc, kinh tế Italy sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm nay và năm sau. Trong trường hợp xấu nhất, kinh tế Italy có thể giảm tốc 0,5% trong năm 2022 và 2023.
Tại Tây Ban Nha, do ảnh hưởng tiêu cực từ những diễn biến trên thị trường năng lượng, Bộ trưởng Kinh tế Nadia Calvino đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay từ mức 7% xuống còn 4,3%.