Mỹ ghi nhận tăng trưởng kinh tế âm trong quý I, FED vẫn kiên định với lập trường thắt chặt tiền tệ

Lê Thị Xuân Phương 18:00 | 29/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đã ghi nhận tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt -1,4% trong quý I/2022. Con số thấp hơn mức dự báo 1% của các nhà kinh tế trong khảo sát của Dow Jones.

Báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã đảo ngược bất ngờ từ mức 6,9% hồi quý IV/2021 xuống -1,2% trong quý này. Đây là quý tăng trưởng tồi tệ nhất của Mỹ kể từ quý II/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Tăng trưởng GDP Mỹ qua các năm. Nguồn: US Bureau of Economic Analysis.

Dù vẫn còn 3 quý trước khi kết thúc năm nhưng các nhà phân tích nhận định tốc độ tăng trưởng quý I là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế. Các nhà kinh tế từ Công ty nghiên cứu tài chính Refinitiv dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm nay chỉ đạt khoảng 1,1%.

Nhà kinh tế trưởng Simona Mocuta tại State Street Global Advisors cho biết: “Năm ngoái, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng rất tốt, nhưng báo cáo quý I cho thấy tình hình đang thay đổi. Tương lai chưa nói trước được điều gì.”

Điều gì khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ sụt giảm?

Thâm hụt thương mại quốc tế tăng cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng quý đầu năm của Mỹ, mặc dù chi tiêu của chính phủ ở các chính quyền tiểu bang, liên bang và địa phương, cũng như nhập khẩu lại gia tăng.

Chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ tăng nhẹ 0,7% trong quý. Người Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ, dẫn đầu là mảng chăm sóc sức khỏe. Điều đó bù đắp cho sự sụt giảm nhỏ trong chi tiêu hàng hóa, đặc biệt là khí đốt, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt do căng thẳng Nga - Ukraine và nhiều biến động trên thị trường dầu.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ, một trong những thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang FED đã tăng 7% trong ba tháng đầu năm. 

Trong những quý tiếp theo, nền kinh tế Mỹ dự kiến vẫn sẽ tiếp tục chịu tác động từ bất ổn địa chính trị toàn cầu, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát gia tăng ở mức chưa từng thấy trong 40 năm và cả diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Bất chấp những số liệu kinh tế không mấy khả quan, Tổng thống Joe Biden cho rằng nền kinh tế Mỹ đang "kiên cường đối mặt với những thách thức lịch sử".

FED dự kiến vẫn kiên định lập trường thắt chặt tiền tệ

Sự sụt giảm tăng trưởng GDP bất ngờ trong quý I của Mỹ có thể không làm thay đổi ngay lập tức chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang. Ngân hàng trung ương dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất cơ bản khoảng 0,5% trong cuộc họp vào tuần tới, củng cố thêm lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ sau 2 năm liền duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong đại dịch. Đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ hai trong năm mà FED thực hiện.

Greg Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, cho biết: “FED sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn trong những tháng tới khi lạm phát đang ở mức đáng lo ngại”.

Ở góc nhìn tích cực hơn, ông Ryan Sweet, Giám đốc cấp cao của bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Moody's Analytics, cho rằng sự sụt giảm GDP của Mỹ trong quý đầu tiên là không đáng quan ngại và sẽ phục hồi trong những quý tới. Một số nhà kinh tế khác thì kỳ vọng rằng lạm phát tại Mỹ đã lên đỉnh vào tháng 3 vừa qua và sẽ hạ nhiệt trong những tháng tiếp theo của năm.