Phát triển kinh tế biển và kinh tế sông trở thành mũi nhọn bền vững của du lịch Việt Nam

Đặng Bảo Hiếu 15:30 | 12/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với những hiểu biết trong lĩnh vực kinh doanh du lịch của mình, ông Đặng Bảo Hiếu - Chủ tịch Tập đoàn du lịch Trọng Điểm, Focus Travel Group & Cảng du thuyền Ana Marina đã có những chia sẻ và kiến nghị liên quan đến chủ đề Kinh tế du lịch biển và Kinh tế du lịch sông.

 

  Ông Đặng Bảo Hiếu - Chủ tịch Tập đoàn du lịch Trọng Điểm, Focus Travel Group & Cảng du thuyền Ana Marina.

Mở đầu phần tham luận, ông Đặng Bảo Hiếu đã trích dẫn quan điểm của nhà giáo, nhà quân sự kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về kinh tế biển của nước nhà: “Biển Đông đã được nhân dân ta khai thác và sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, trước kia cũng như hiện nay, tầm quan trọng và tiềm năng của biển chưa được chúng ta phân tích và đánh giá đầy đủ. Trong lĩnh vực hiểu biết, khai thác sử dụng biển và tài nguyên biển, chúng ta còn lạc hậu so với những sự hiểu biết khai thác và sử dụng đất liền và tài nguyên trên đất liền. Kinh tế biển chưa có vị trí xúng đáng trong nền kinh tế quốc dân của nước ta. Nói cách khác đi, chúng ta vẫn còn quay lưng lại với biển”.

Nếu khai thác tốt tài nguyên sông và biển, mối liên kết giữa biển và sông, du lịch Việt Nam sẽ đạt được những bước phát triển to lớn. Ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, phát triển trở thành kinh tế mũi nhọn, xanh và bền vững.

 Để đạt được mục tiêu vươn mình này, những doanh nghiệp du lịch, những doanh nhân du lịch, ngoài sự nỗ lực bền bỉ của đơn vị, của cá nhân, chúng tôi rất mong muốn Đảng và Nhà nước tạo điều kiện về các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của du lịch nói chung và du lịch sông biển nói riêng. Các chính sách đó bao gồm:

Chính sách cởi mở hơn nữa về visa nhập cảnh du lịch đối với khách du lịch quốc tế. Đây là cơ sở và nền tảng quan trọng cho việc phát triển du lịch nước nhà. Thực tế cho thấy, tất cả các nền kinh tế có ngành du lịch phát triển: từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Indonesia… khi thực hiện các chính sách cởi mở về visa nhập cảnh đều thu hút một lượng khách du lịch lớn từ mọi quốc gia;

Sự thống nhất về chính sách và luật lệ trong việc quy hoạch, quản lý và khai thác các tài nguyên sông biển bao gồm: mặt nước sông, mặt nước biển, bờ sông, bờ biển, bãi sông, bãi biển, đất cận sông, đất cận biển - tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân có thể tham gia vào việc lập các dự án, xây dựng các mô hình khai thác phát triển du lịch sông, du lịch biển;

Sự thống nhất về các chính sách liên quan tới quy hoạch hệ thống giao thông thuỷ nội địa phục vụ phát triển du lịch, bao gồm cả đường sông và đường biển nhằm đạt được yêu cầu kết nối các vùng lãnh thổ, lãnh hải, miền, khu vực: sông với sông, sông với biển, biển với biển;

Cần có sự thống nhất trong chính sách, luật lệ liên quan đến quản lý xuất nhập cảnh khách du lịch qua các cửa khẩu đường biển, đường sông; Quản lý neo đậu tàu bè cả trong nước và quốc tế ở các vùng biển, đảo du lịch phù hợp với thông lệ quốc tế. Cho phép các du thuyền cá nhân của nước ngoài sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký nhập cảnh Việt Nam được phép lưu thông tuân thủ quy định của giao thông thuỷ Việt Nam đồng thời phù hợp với thông lệ của quốc tế dành cho du thuyền;

Có chính sách của nhà nước khuyến khích đầu tư từ khối tư nhân vào phát triển du lịch biển, du lịch sông bao gồm: xây dựng hạ tầng du lịch, bến cảng du lịch, bến đậu thuyền marina, đóng mới tàu thuyền phát triển du lịch đường sông, biển ở các địa phương, nơi các điều kiện để phát triển du lịch còn hạn chế như đồng bằng sông Mekong, khu sinh quyển Cần Giờ, vùng biển Khánh Hoà, Phú Yên…

 

 

Xuất phát từ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực du lịch sông và biển, chúng tôi cũng mong muốn được hiến kế cho nhà nước trong chiến lược xây dựng và phát triển “Kinh tế biển - Kinh tế sông” trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là chiến lược về con người nhằm xây dựng ba lực lượng phục vụ “Kinh tế biển - Kinh tế sông”.

Theo cần tới 3 lực lượng chủ đạo gồm: Những con người tri thức hiện đại, có tầm hiểu biết sâu sắc về “Kinh tế biển - Kinh tế sông”; Những doanh nhân tiên phong có tấm lòng sâu sắc với “Kinh tế biển - Kinh tế sông”; Những chính khách nhân văn, có quyết tâm đề ra các giải pháp hiệu quả phục vụ “Kinh tế biển - Kinh tế sông”.

Ba lực lượng trên phải phối hợp chặt chẽ với nhau, tham vấn ý kiến và đề ra các chương trình phục vụ “Kinh tế biển - Kinh tế sông” hiệu quả.

Đặng Bảo Hiếu
Chủ tịch Tập đoàn du lịch Trọng Điểm, Focus Travel Group & Cảng du thuyền Ana Marina