Tập đoàn IPP và Lotte Duty Free sẽ mở cửa hàng miễn thuế dưới phố Hà Nội đầu tiên ở Tràng Tiền Plaza
Sau chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay, Tập đoàn IPP đã bắt tay với Lotte Duty Free thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố tại Hà Nội. Cửa hàng đầu tiên dự kiến đặt tại Tràng Tiền Plaza.
Ngày 22/12, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa ký kết hợp tác kinh doanh với Lotte Duty Free để phát triển chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố (downtown duty free) thay vì tại các sân bay như hiện nay.
Nếu mô hình cửa hàng miễn thuế truyền thống được đặt ở các sân bay thì downtown duty-free có mặt tại các trung tâm thương mại ngay trong các thành phố lớn, khu du lịch. Đối tượng của downtown duty-free cũng vẫn là phục vụ du khách nước ngoài, những người được hưởng chính sách ưu đãi thuế...
Đây hiện là mô hình thu hút du khách hiệu quả ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Italy, Thụy Sỹ... cũng đang tập trung phát triển hai mô hình này. Tại Hàn Quốc, năm 2019, doanh thu các downtown duty-free đạt hơn 18,2 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2018.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP.
Theo tiết lộ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, cửa hàng miễn thuế dưới phố đầu tiên tại Hà Nội sẽ được mở ở mặt bằng tầng 6 của trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong giai đoạn cuối quý II và đầu quý III/2021.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG cho biết với tiềm năng phát triển lớn của ngành du lịch Việt Nam, tập đoàn và các đối tác liên doanh đang có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng miễn thuế tại cả sân bay và dưới phố tại các thành phố lớn với mục tiêu đưa thêm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ông "Vua hàng hiệu" tham vọng với việc mở thêm chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố, các liên doanh của IPPG sẽ mang hơn 20 triệu khách du lịch nước ngoài mỗi năm tới Việt Nam sau khi dịch COVID-19 được khống chế.
“Từ khi khai thác cửa hàng miễn thuế Lotte Duty Free ở nhà ga quốc tế Cam Ranh, Lotte đã mang hơn 3 triệu khách/năm. Cộng với các cơ sở kinh doanh hàng miễn thuế hiện tại cùng cửa hàng miễn thuế dưới phố mở mới, mục tiêu 20 triệu khách/năm nằm trong tầm tay của chúng tôi”, ông Hạnh Nguyễn lấy dẫn chứng.
Theo Chủ tịch Tập đoàn IPP, trước khi dịch bệnh diễn ra, du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế trên 23%/năm cho giai đoạn 2016-2019.
Cùng với xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trong nước, ông Hạnh Nguyễn cho biết tập đoàn đang có kế hoạch cùng các đối tác xin phép xây dựng các trung tâm tài chính lớn, các khu du lịch giải trí và đặc biệt là factory outlet (cửa hàng bán hàng tồn kho giảm giá).
Đặc biệt, hàng chục triệu khách nước ngoài khi vào Việt Nam không đi tay không mà mang theo tiền để chi tiêu. Với kế hoạch 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam thông qua chuỗi cửa hàng miễn thuế, nếu mỗi khách du lịch chi tiêu 100 USD, doanh số hàng bán đã là 2-3 tỷ USD.
Theo ông Hạnh Nguyễn, hiện nay phía đối tác Lotte đã có bản thiết kế cửa hàng miễn thuế dưới phố để mở ở Hà Nội và sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát tốt tại các nước thì sẽ tiến hành khai trương và đón du khách quốc tế.
Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza
Về lượng khách, vị doanh nhân được mệnh danh là "vua hàng hiệu" cho biết phía Lotte sẽ tự mang khách quốc tế tới thông qua hơn 220 đại lý du lịch thành viên trên thế giới. Vì vậy, Hà Nội sẽ đón một lượng khách quốc tế rất lớn nhờ các cửa hàng miễn thuế dưới phố này.
Cũng theo vị tỷ phú, so với cửa hàng duty-free tại sân bay thì mô hình dưới phố có thể khắc phục được hạn chế về mặt bằng, thời gian mở cửa, đảm bảo hiệu quả kinh doanh hơn. "Doanh thu cửa hàng miễn thuế ở sân bay một triệu USD, cửa hàng miễn thuế dưới phố thu 50 triệu. Tỷ suất lợi nhuận có thể gấp 5-10 lần", ông phân tích.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và Việt Nam tiếp tục đóng cửa với khách du lịch quốc tế có thể khiến tham vọng của "vua hàng hiệu" khó trở thành hiện thực.
Hiện tại, theo quy định, chỉ du khách quốc tế mới được mua hàng và hưởng chính sách thuế ưu đãi ở cửa hàng miễn thuế. Để giải bài toán du khách quốc tế trong đại dịch, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói đang xúc tiến đề xuất chính sách để các cửa hàng này cũng cho phép người Việt mua sắm.
"Tôi đang xin chủ trương cho phép được trả thuế để phục vụ nhu cầu của khách hàng Việt Nam tại cửa hàng miễn thuế như hàng nhập khẩu. Nếu thực hiện được, ngân sách cũng sẽ hưởng lợi. Tại sao cứ để người Việt Nam phải mua hàng ở nước ngoài", Chủ tịch IPPG nói.
Tuy nhiên, việc xin chủ trương này sẽ là thách thức lớn dù Chủ tịch IPPG tin rằng có thể tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khi 5-7 năm tới thuế với nhiều mặt hàng có thể giảm mạnh.
Hà Ly