Tập đoàn Vingroup nộp thuế hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2022

Lạc Lạc 14:12 | 31/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và kết quả kinh doanh cả năm 2022 với nhiều con số ấn tượng. Đáng chú ý, tập đoàn đã nộp thuế hơn 10.000 tỷ đồng.

Tính riêng quý IV/2022, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 41.168 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu tăng nhờ tốc độ bàn giao mạnh mẽ các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Trong khi đó, các lĩnh vực cho thuê bất động sản đầu tư (chủ yếu là kinh doanh trung tâm thương mại), dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt.

Doanh thu tài chính trong quý đạt 2.529 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ, chủ yếu do giảm lãi từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con. Mặc dù chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu tăng 30% lên 2.954 tỷ đồng, tuy nhiên tổng chi phí tài chính giảm 20% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ giảm lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 1.000 tỷ đồng. 

Đáng chú ý là chi phí bán hàng tăng 96% so với cùng kỳ, lên mức 3.683 tỷ đồng trong quý IV/2022. 

Trừ các khoản chi phí phát sinh, Vingroup lãi trước thuế 3.955 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 6.568 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ đồng, con số ấn tượng so với cùng kỳ lỗ tới 9.284 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2022, doanh thu Vingroup đạt mức 101.523 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2021. Trong cơ cấu doanh thu của Vingroup, doanh thu kinh doanh chuyển nhượng bất động sản vẫn chiếm ưu thế, mang về 54.861 tỷ đồng và đóng góp 54% vào tổng doanh thu. Mảng kinh doanh cho thuê bất động sản đầu tư mang về hơn 8.100 tỷ đồng; Kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí đều khởi sắc 7.500 tỷ đồng; Mảng dịch vụ y tế gần 4.500 tỷ đồng;  Hoạt động sản xuất và các dịch vụ liên quan gần 13.600 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính cả năm đạt con số ấn tượng 33.619 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái, đến từ lãi thanh lý các khoản đầu tư và chuyển nhượng công ty con. Chi phí tài chính tăng 25,7% lên 14.285 tỷ đồng so với cùng kỳ, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá.

Trước thuế, Vingroup mang về 12.694 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 4 lần số lãi đạt được trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.982 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 7.558 tỷ đồng trong năm 2021. 

 

Vingroup cho biết doanh số bán bất động sản chưa ghi nhận của toàn Vingroup gồm Vinhomes và các công ty con đạt mức kỉ lục 110.500 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021, theo đó lĩnh vực bất động sản hứa hẹn ghi nhận tổng doanh thu lớn trong năm 2023 nhờ việc tiếp tục bàn giao lượng lớn sản phẩm sau khi hoàn thành xây dựng. 

Tương tự, VinFast cũng kỳ vọng sẽ có một năm 2023 đột phá về doanh số nhờ số lượng đặt hàng lớn gồm khoảng 68.000 đơn hàng đặt cọc cho các mẫu xe điện VF 8, VF 9, VF e34 và VF 5. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác cũng dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023.

Kết quả kinh doanh tích cực cũng đã được thể hiện trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Theo đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận dương 101 tỷ đồng so với số âm 14.206 tỷ đồng trong năm 2021. Dòng tiền đầu tư có sự cải thiện khi giảm xuống còn âm 20.494 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính của Vingroup dương 28.250 tỷ đồng, đến từ tiền đi vay hơn 74.271 tỷ đồng. Trong kỳ, dòng tiền dương 7.857 tỷ đồng.