Tập trung thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

09:35 | 06/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đang tập trung thanh tra, kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân.
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch số 1993/KH-BCĐTƯATTP về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021, từ ngày 1/1 đến hết 20/3/2021.
 
 
Tập trung thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - ảnh 1
 Ảnh minh họa
 
Theo đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn thực phẩm giao các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Yên Bái, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trà Vinh, Hậu Giang. Ngoài ra, tại các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành.
 
 
Đối tượng kiểm tra tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội, như các sản phẩm từ thịt, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
 
Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm với định hướng trọng tâm là đến năm 2025 tất cả thực phẩm tiêu dùng trong nước đạt mức tiêu chuẩn chất lượng tương đương thực phẩm xuất khẩu; thực hiện được việc truy xuất nguốn gốc đối với các loại hàng hóa thực phẩm cơ bản lưu hành trên thị trường; các sản phẩm thực phẩm uy tín phải có chỉ dẫn địa lý được công bố, bảo hộ theo quy định của pháp luật.
 
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần khẩn trương có kế hoạch, lộ trình, biện pháp chỉ đạo thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn thực phẩm tiêu dùng trong nước và truy xuất nguồc gốc thực phẩm.
 
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan xây dựng cơ chế và có Chương trình hỗ trợ, bảo đảm các thực phẩm có uy tín, chất lượng đều có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường trong nước và quốc tế.
 
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đưa vào vận hành hệ thống thông tin an toàn thực phẩm trước ngày 31 tháng 12 năm 2020, trước hết là đối với 6 nhóm hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế và một số nhóm hàng chủ yếu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.
Cùng với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, các ban ngành, địa phương cũng tích cực thực thi các giải pháp nhằm tập trung thanh tra, kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân.
 

Bộ NN & PTNN ra chỉ thị đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021.
 
Theo đó, Bộ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan triển khai đầy đủ các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 theo Kế hoạch 1993 của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
 
 
Tập trung thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - ảnh 2
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản 
 
Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm … Đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm, địa chỉ bán sản phẩm chất lượng, an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
 
Cùng đó, chỉ đạo tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp này như: Thịt, giò chả, thủy sản, rau, quả… để kịp thời phát hiện, xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm. Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, xử lý nghiêm túc, đầy đủ theo quy định và thông tin kịp thời về các sự cố sản phẩm nông, lâm, thủy sản mất an toàn thực phẩm nếu xảy ra tại địa phương.
 
Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bố trí đầy đủ nhân sự để tiếp nhận, xử lý và thông tin kịp thời sự cố mất an toàn thực phẩm.
 
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì đường dây nóng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, công an điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định an toàn thực phẩm như: Bơm chích tạp chất vào thủy sản, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
 
Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt chỉ đạo sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết…
 
 

Hà Nội và TP HCM tăng cường công tác kiểm tra VS ATTP

 
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân 2021.
 
 
Tập trung thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - ảnh 3
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử tại phố Vọng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
 
Theo kế hoạch này, từ ngày 15/12/2020 đến hết 25/3/2021, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra trong dịp Tết và lễ hội xuân, trọng tâm kiểm tra là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo...
 
Các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Các đoàn thanh tra, kiểm tra cấp huyện, xã thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
 
Cấp thành phố sẽ tổ chức bốn đoàn kiểm tra. Trong đó, đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn, thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã: Sóc Sơn, Tây Hồ, Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Cầu Giấy.
 
Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm Trưởng đoàn, thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
 
Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội làm Trưởng đoàn, thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì.
 
Đoàn 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội làm Trưởng đoàn, thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Đình, Hoài Đức.
 
Cấp huyện sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân năm 2021 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra lễ hội, các cơ sở, dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm... đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã quản lý; phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn kiểm tra.
 
Cấp xã sẽ kiểm tra tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ, chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn xã, phường theo phân cấp.
 
 
Tại TP HCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa đưa ra kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân 2021 trên địa bàn TP.HCM.
 
 
Tập trung thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - ảnh 4
 Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra xuất xứ hàng hóa cung ứng tết tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, quận Thủ Đức, TP.HCM
 
Mục đích là kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2021, đặc biệt là các sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, bia, rượu, bánh, mứt, rau, củ, quả,…
 
 
Ngoài ra, việc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc do methanol.
 
Theo đó, sẽ chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, siêu thị. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.
 
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra thực hiện lấy mẫu nhóm sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào vào các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng thực phẩm, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm.
 
 
Minh Hoa