Thách thức lớn khi giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng

06:10 | 07/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%, tốc độ tăng trưởng 2 quý cuối năm phải đạt trên 7%. Đây là thách thức rất lớn bởi các yếu tố khó khăn, rủi ro vẫn còn nhiều.

Khó khăn nhiều hơn thuận lợi

“Chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng”, đó là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ 6 tháng diễn ra vào tuần qua. Quyết tâm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ là có cơ sở, bởi để đưa ra kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích trên nhiều yếu tố.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan. Bên cạnh đó, cơ hội và dư địa tăng trưởng kinh tế còn lớn đến từ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mới được thông qua, tạo khí thế mới, động lực mới; nước ta cơ bản kiện toàn bộ máy, hoàn thành công tác nhân sự.

Thách thức lớn khi giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng - ảnh 1

Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng phục hồi nhanh là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; khu vực dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật lớn trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát; cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, một số chỉ số như CPI, thất nghiệp cho thấy còn dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ…

Do vậy, trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất. Theo đó, kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ, duy trì sản xuất, kinh doanh trong quý III/2021, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý IV/2021 do nhu cầu thường tăng cao vào thời điểm cuối năm và đề xuất 2 kịch bản.

Cụ thể, với kịch bản 1, trong trường hợp Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6%. Trong đó, quý III tăng 6,2%; quý IV tăng 6,5%.

Kịch bản 2 lạc quan hơn, đặt trong trường hợp Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết 01/NQ-CP là 6,5%. Với kịch bản này, quý III dự kiến tăng 7%; quý IV tăng 7,5%.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, các kịch bản trên được đưa ra trên cơ sở số liệu thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, với ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,64% so với cùng kỳ năm 2020.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, do đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, nên năm nay, đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó. Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm và cả năm 2021 có thể đạt mức 6,1 - 6,3%, ông Lực cho rằng, tăng trưởng năm nay vượt một chút so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra (tăng trưởng GDP 6%) “cũng là thành công”.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, rủi ro, thách thức vẫn còn đến từ các biến chủng mới của Covid-19; lạm phát, giá cả có khả năng tăng cao đến hết năm 2021; nợ công và nợ doanh nghiệp gia tăng tại một số nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn.

Trong nước, khó khăn, thách thức, rủi ro còn nhiều, nhất là khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng; mùa du lịch đã qua tháng 6 trong khi mùa mưa bão đã đến.

Kịch bản nào thì cũng phải cố gắng rất nhiều

Theo kịch bản 2 nêu trên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm như đã đề ra, theo tính toán, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải đạt hơn 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến Covid-19 còn phức tạp và nguồn cung vắc-xin còn hạn chế.

EuroCham nhận định, thực hiện chiến lược vắc-xin là tiền đề giúp Việt Nam khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần tiếp tục áp dụng các chính sách bảo đảm an toàn vĩ mô và lưu ý, đợt bùng dịch Covid-19 thứ tư đang gây ra những nguy cơ đáng kể đối với khả năng phục hồi bền vững của Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp. “Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để tăng trưởng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

TS. Hiếu cho rằng, từ nay đến cuối năm, Việt Nam phải đạt được ít nhất 30% dân số được tiêm chủng và tăng tỷ lệ này lên 70-80% vào năm 2022 để tạo ra miễn dịch cộng đồng, có như vậy mới có thể khống chế được dịch bệnh để ổn định sản xuất.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phòng chống Covid-19 là nhiệm vụ phải tập trung trong thời điểm hiện nay trên phạm vi toàn quốc và ở một số địa phương. Nêu rõ thông điệp phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược vắc-xin, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu rất khan hiếm từ nay đến tháng 9, phải tiếp cận, mua vắc-xin một cách bình đẳng, nhanh nhất, nhiều nhất có thể, đồng thời tổ chức điều phối phù hợp với tình hình; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước; tổ chức tiêm vắc-xin hiệu quả, kịp thời.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, vừa giữ ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy phát triển, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. “Kịch bản nào thì cũng phải cố gắng rất nhiều với các giải pháp khả thi, hiệu quả, mới có thể đạt được”, Thủ tướng nêu rõ.

Với quyết tâm phấn đấu thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, dự kiến thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn chuyên đề riêng về huy động các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển, giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong giải ngân vốn ODA.

Bình luận về tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng tưởng 5,64% thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng vẫn rất đáng khích lệ trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020, dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.

 

Theo Báo Đầu tư

Xem thêm: