Thái Lan phản ứng ra sao trước quyết định áp thuế đường mía của Việt Nam?
Ngày 17/6, trả lời phỏng vấn trên tờ Bangkok Post, ông Keerati Rushchano, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan thông tin rằng sau 1 năm Việt Nam áp dụng các loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường xuất khẩu. nước này sẽ đề nghị Việt Nam xem xét lại quyết định.
Ông Rushchano cho rằng vẫn còn một số điều chưa chắc chắn như thiệt hại gây ra bởi các sản phẩm đường của Thái Lan tại Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề ra mức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường có nguồn gốc từ Thái Lan trong 5 năm, thay thế mức thuế tạm thời được ban hành hồi tháng 2.
Mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, có mã số 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 lần lượt là 42,99% và 4,65%.
Việc áp thuế đường mía từ Thái Lan bước đầu đã phát huy tác dụng
Phía Việt Nam đi đến quyết định này sau khi kết thúc cuộc điều tra được khởi xướng từ tháng 9 năm 2020.
Tuy vậy, một số các cơ quan của Thái Lan như Văn phòng Ủy ban Mía đường (OCSB) và Tập đoàn Mía đường Thái Lan (TSMC) vẫn tự tin rằng các mức thuế trên sẽ không tác động nhiều đến các nhà sản xuất đường và nông dân Thái Lan.
Họ lập luận rằng dù thị trường Việt Nam chiếm khoảng 26% thị phần xuất khẩu đường của Thái Lan trong ASEAN và 18,5% toàn cầu nhưng vẫn không gây đủ áp lực lên giá đường trong nước và xuất khẩu của Thái Lan. Hai cơ quan này tin rằng giá đường toàn cầu mới là tác nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến nông dân và các nhà sản xuất nước này.
Ông Siriwut Siempakdi, người đứng đầu nhóm công tác quan hệ công chúng của TSMC cho hay nhà kinh doanh và môi giới đường đã xuất khẩu nhiều hơn sang Việt Nam trong những năm gần đây. Ông cho rằng đường nước ta khó cạnh tranh với đường nhập khẩu Thái Lan là bởi chi phí sản xuất cao hơn. Nhưng ông cũng hiểu rằng, Việt Nam cần phải can thiệp để bảo vệ ngành mía đường nội địa.
Trong một diễn biến liên quan, đại diện từ Bộ Công Thương thông tin rằng việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã bước đầu cho những tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước.
Cụ thể, từ tháng 3/2021 lượng đường mía Thái Lan xuất khẩu sang đã sụt giảm đáng kể. Từ khối lượng bình quân là 110.000 tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn, giảm 75%.
Từ đó, giá đường cùng giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Lần đầu tiên sau nhiều năm người trồng mía trong nước đạt sản lượng tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía.
H.S
Xem thêm: Bộ Công thương phấn khởi: Nhờ chống bán phá giá đường Thái, lần đầu đường nội mua hết mía dân trồng