Thanh Hóa: Bất động sản công nghiệp là 'điểm sáng' thu hút vốn FDI
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thị trường bất động sản công nghiệp miền Trung đang có khoảng 260 dự án khu công nghiệp được đưa vào quy hoạch với tổng quy mô lên đến 62,8.000 ha.
Theo thị phần tổng hợp, khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang là khu công nghiệp có quy mô diện tích dẫn đầu khu vực với mức thị phần 14,4% tương đương với 9.057 ha và gấp gần 3 lần so với hai khu công nghiệp liền kề.
Theo sau là Cụm công nghiệp Sa Huỳnh với quy mô 3.369 ha tương ứng với 5,37% thị phần và Khu công nghiệp Wha Hemaraj 1 quy mô 3.200 ha tương đương 5,10% thị phần. Cả ba đều là các khu công nghiệp có diện tích trên 3.000ha và thuộc các tỉnh ven biển.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Thanh Hóa hiện đang là tỉnh có quy mô bất động sản công nghiệp lớn nhất tại miền Trung với mức thị phần đạt 19% tương đương với 12,1.000 ha đất quy hoạch. Đây cũng là khu vực được dự kiến sẽ có sự phát triển mạnh mẽ về bất động sản công nghiệp trong tương lai gần, với quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước.
Tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, đến tháng 6/2022, khu kinh tế này đã thu hút được 265 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 149.000 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 12,8 tỷ USD.
Đây là 1 trong 8 Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước với nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước), Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, xi măng Nghi Sơn, xi măng Công Thanh, các dự án cảng biển, may mặc, giày da…
Cũng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập đáp ứng nhu cầu về nhà xưởng và kho bãi cho các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã thu hút hơn 1.000 dự án trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 114 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ còn tiếp tục “lên hương” trong thời gian tới. Kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở với nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy từ 90 - 100%.
Theo tổng hợp của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch được 91 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 3.382,66 ha. Trong đó, khu vực đồng bằng có 48 CCN với tổng diện tích 1.775,76 ha; khu vực ven biển có 19 CCN với tổng diện tích 743,2 ha; khu vực miền núi có 24 CCN, với tổng diện tích 863,7 ha.
Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, là tiền đề quan trọng trọng để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Điều này góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện đô thị hóa, hình thành các trung tâm công nghiệp; góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động, và người dân địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong tỉnh theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả…
Thanh Hóa xây dựng 4 đô thị thông minh
Ngoài phát triển về khu công nghiệp, Thanh Hóa cũng đang phấn đấu đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa để bắt kịp các địa phương khác. Đến nay, hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa có 34 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 30 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%, tăng hơn 25,6% so với năm 2010. Như vậy, trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thanh Hóa vẫn thấp hơn trung bình cả nước.
Cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có kế hoạch số 57 để quán triệt thực hiện.
Ngoài các mục tiêu chung, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn đề ra nhiều mục tiêu tổng quát như việc phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh theo đúng quy hoạch.
Nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra trên cơ sở phân tích hiện trạng và điều kiện phát triển đô thị hiện tại. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.
Theo quy hoạch xây dựng, số lượng đô thị toàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 khoảng 45 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh đến 2025 phấn đấu đạt 75%, đến năm 2030 phấn đấu đạt 85% của toàn tỉnh.
Lộ trình đến 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng các thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn, các thị xã Bỉm Sơn và Nghi Sơn thành đô thị thông minh, kết nối các đô thị thông minh của khu vực và quốc gia.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch số 275 về phát triển hệ thống đô thị nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa, phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; đảm bảo đến năm 2025 đạt mục tiêu đô thị hóa 40% trở lên.