Nhà ở xã hội sẽ ‘hâm nóng’ thị trường bất động sản sắp tới
Thị trường bất động sản trong năm 2022 đối mặt nghịch lý lực cầu của thị trường rất mạnh, nhưng giao dịch sụt giảm. Theo các chuyên gia, trong những điểm nghẽn kéo dài từ năm 2022, nguồn vốn là vấn đề thách thức nhất của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, nút thắt này sẽ từng bước được gỡ khi cuối năm 2022 Chính phủ đã lập Tổ công tác theo Quyết định 1435, rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản cho rằng, các chính sách cần được ban hành theo 3 hướng: Thúc đẩy phát triển dự án phù hợp với nhu cầu thị trường; cải thiện dòng tiền cho người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân; cải thiện điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông thoáng hơn nhưng vẫn được kiểm soát.
Ông Đính nhận định, nguồn cung của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nếu chính sách vĩ mô được điều chỉnh, từ cuối quý I, những dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, vướng mắc ở giai đoạn trước có khả năng sẽ được khơi thông, giúp đưa vào thị trường một nguồn cung mới.
"Năm 2023, giao dịch cho nhu cầu thực sẽ tăng trưởng. Trong đó, quý I/2023 giao dịch đạt thấp, nhưng có thể duy trì ngang bằng cùng kỳ năm 2022, vì thị trường vẫn có những dự án chất lượng tốt, giá bán phù hợp. Từ quý II đến cuối năm 2023, giao dịch sẽ tăng tốt hơn, nếu chính sách vĩ mô được thực hiện như dự báo", ông Đính chia sẻ tại tọa đàm về bất động sản mới đây.
Khi "bắt mạch" thị trường địa ốc, Bộ Xây dựng và nhiều chuyên gia đều chung nhận định, lệch pha cung - cầu đang là nguyên nhân khiến nhà ở chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Các con số tổng hợp cho thấy, nhà ở giá cao đang khó bán, còn nhà giá vừa túi tiền lại gần như vắng bóng. Phát triển nhà ở xã hội đang là định hướng được các doanh nghiệp hướng tới trong những ngày đầu năm mới.
Thời gian qua, nhiều địa phương và doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn khi triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội do những thủ tục đầu tư phải chờ đợi rất lâu. Về vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội, qua đó nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, có hai nguồn lực cho nhà ở xã hội. Nguồn đầu tiên từ ngân sách Nhà nước. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 3.100 tỷ đồng.
Nguồn thứ hai được xác định theo chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, với con số 15.000 tỷ đồng. Từ hai nguồn này, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay gần 10.000 tỷ đồng với gần 27.900 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội.
"Với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cho vay, cần có cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Phần này, các bộ, ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, một là chưa có tiền, hai là chưa hoàn thiện cơ chế nhưng các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng", ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước thông tin tại cuộc họp báo chí cuối năm 2022.
Bộ Xây dựng đốc thúc các địa phương xây dựng nhà ở xã hội
Để đảm bảo nhà ở, thị trường bất động sản trong thời gian tới, Bộ Xây dựng vừa đưa ra một số giải pháp trọng tâm, trong đó đốc thúc các địa phương tập trung triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Xây dựng, trong năm 2022 các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở, đặc biệt nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.
Trong đó, về dự án nhà ở xã hội, thống kê từ sở xây dựng các địa phương cho thấy trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các sở xây dựng.
Với dự án nhà ở công nhân, trong năm 2022, trên cả nước mới có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Trên tinh thần đó, các địa phương cần rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.
Từ đó, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.