Thành phố Đồng Hới bao giờ mới hết cảnh "cứ mưa là ngập"

06:42 | 20/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) dù có vị thế nằm bên sông, giáp biển nhưng nhiều năm trở lại đây lại xảy ra tình trạng "cứ mưa là ngập" khiến người dân vô cùng bất an.

"Phố thành sông" sau trận mưa lớn

Tương tự như các năm trước, mới chỉ một trận mưa lớn, kéo dài cuối tháng 9 thì điệp khúc “ngập lụt” lại tiếp diễn tại TP Đồng Hới khiến nhiều tuyến phố chìm trong biển nước; giao thông ách tắc, mọi hoạt động hầu như bị ngưng trệ.

Cảnh tượng bì bõm trên đường khi “phố biến thành sông” bởi xe bị chết máy đã không còn lạ lẫm gì với người dân thành phố này lâu nay. Mới đây, chỉ sau một trận mưa lớn, nhiều tuyến đường như Võ Nguyên Giáp, Hữu Nghị, đường tránh TP Đồng Hới…đã ngập sâu; có đoạn ngập trên 50cm khiến ô tô, xe máy không thể lưu thông, nhiều phương tiện bị chết máy do ngập nước.

Dù có địa thế sát sông, nhưng TP Đồng Hới không ít lần bị ngập cục bộ

Anh Phạm Tiến Thành (quê ở Hà Tĩnh) đang làm việc tại TP Đồng Hới tỏ ra ngao ngán khi nhắc tới điệp khúc “hễ mưa là ngập” mà anh chứng kiến tại thành phố này trong suốt 5 năm sinh sống và làm việc tại đây. Anh nói rằng hệ thống thoát nước của Đồng Hới thực sự “có vấn đề”, vì chỉ một trận mưa lớn mà đã ngập lụt thì quá mong manh dù có lợi thế nằm giáp biển và ven sông Nhật Lệ.

“Trong nhiều cơn mưa, lũ ở Đồng Hới khiến tôi bị ám ảnh, xe bị chết máy không thể đi làm, người dân thì bì bỏm lội nước. Nhiều lần tôi còn bất ngờ chứng kiến hình ảnh người dân còn đưa cả lưới ra đường phố để đánh bắt cá. Trong khi thành phố này có địa thế thuận lợi, tốc độ đô thị hóa phát triển như hiện nay nhưng ở đây cứ mưa lớn là ngập thì người dân không thể lo lắng, bàng quan tương lai sao cho được” - anh Thành tâm sự.

Theo ghi nhận, trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020 khiến toàn bộ 15 xã, phường của TP Đồng Hới đều xảy ra tình trạng ngập lụt. Trong đó có một số phường, xã bị ngập nặng, như: Phú Hải, Bắc Lý, Đức Ninh, Đồng Sơn…bị ngập đến mức kỷ lục, hàng ngàn nhà dân ngập sâu hơn 2m, các tuyến phố ở trung tâm bị ngập tới 1m, giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Theo nhận định của các bậc cao niên, thì 50 năm rồi, họ mới thấy Đồng Hới bị ngập lụt nặng, kéo dài đến vậy.

Không chỉ ngoài đường, nhiều con hẻm, nhà dân ở TP Đồng Hới chỉ sau một trận mưa lớn thì nước đã tràn vào nhà gây ngập khiến nhiều tài sản bị hư hỏng, kinh doanh bị ngưng trệ.

Chị L.T.D ở phường Phú Hải nhớ lại: “Trận lũ lịch sử hồi tháng 10, ngồi trong nhà mà cứ tưởng ngoài sông. Nước vào nhà tôi ngập hơn 2m, tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế… bị nước ngấm lâu nên hư hỏng cả. Không chỉ lũ mà cứ mưa lớn kéo dài 1 đến 2 hôm là cả phường đứng ngồi không yên vì sợ nước tràn vào nhà làm hư tài sản”.

Đô thị hoá quá nhanh nhưng cơ sở hạ tầng thoát nước còn kém khiến nước lũ tích lại ngập nặng

Theo chị D. việc nhiều tuyến đường ở TP Đồng Hới cứ bị xới tung để làm các “dự án chống ngập”, thi công hệ  thống thoát nước trong nhiều năm qua đã khiến người dân mất an toàn, ô nhiễm và đặc biệt là chống ngập đâu không thấy, nhưng bị ngập nặng hơn khiến ai cũng bất lực, chua xót.

Bất cập về cơ sở hạ tầng

Theo tìm hiểu, nhiều năm qua UBND tỉnh Quảng Bình đã quan tâm đầu tư nhiều dự án về lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng khiến khả năng tiêu, thoát kém gây ngập úng; đặc biệt là ngay tại trung tâm TP Đồng Hới.

Tháng 12/2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh từ việc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt diện rộng ở TP Đồng Hới, cũng như các đô thị trên địa bàn sau trận mưa lũ lịch sử vào tháng 10 cùng năm. Sau đó, tỉnh này còn yêu cầu TP Đồng Hới lập 13 điểm ngập lụt xung yếu trên địa bàn để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, nhưng sau 5 năm, tình hình không được cải thiện là bao.

Trao đổi với PV, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, cho biết từ xưa đến nay, rất nhiều chương trình, dự án chống ngập đang được triển khai tại TP Đồng Hới. Hiện còn ngập tại một số điểm nhưng cơ bản đã giải quyết được, chỉ duy khu vực dọc tuyến đường tránh thành phố, đoạn cầu Tây còn xảy ra tình trạng ngập nặng khi mưa lớn, lượng nước đổ dồn về trung tâm thành phố; Sở cũng đã nghiên cứu triển khai các giải pháp thoát nước.

Nhiều tuyến đường chỉ cần một trận mưa lớn, là đường phố lại biến thành sông

Theo Sở Xây dựng Quảng Bình, nguyên nhân chính mà Đồng Hới bị ngập sâu và lâu như hiện nay chính do biến đổi khí hậu nên thời mưa lớn, kéo dài trùng với triều cường dâng, khiến mực nước ở cửa sông Nhật Lệ dâng cao nên các tuyến kênh không tiêu thoát được. Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống ngập lụt, khắc phục ô nhiễm môi trường, nạo vét khơi thông dòng chảy của các chủ đầu tư, đơn vị thi công được triển khai một cách hình thức, không theo quy chuẩn, dẫn tới gây ứ nghẽn dòng chảy.

“Để có giải pháp xử lý triệt để thì thành phố phải cải tạo trị thủy, Sở đang chú trọng vấn đề này và cần một giải pháp tổng thể để xử lý cục bộ mới đạt hiểu quả. Đặc biệt sông Nhật Lệ hiện đang chịu ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều, nước xuống nước lên trong ngày; bây giờ cao độ thủy triều lên rất là nhiều, ngày xưa thì do đặt ống cống tiêu thoát thấp nên khi thủy triều lên là nước lại chảy vào cống dẫn đến ùn ứ. Chúng tôi đang quyết liệt tìm phương án để cải tạo các vị trí cống có thể tự đóng bịt lại khi nước lên” - vị này nói.

Trong khi đó, 1 kiến trúc sư về xây dựng ở Quảng Bình nhìn nhận nguyên nhân khác là do tốc độ đô thị thóa phát triển, tăng mạnh bê tông hóa làm kém đi khả năng thẩm thấu khiến mỗi khi xảy ra mưa lớn hay lũ lụt thì lượng nước bề mặt đồn vào hệ thống thoát nước bê tông hóa. Trong khi đó, hệ thống cống lại quá dài, đường ống nhỏ, ùn tắc nước nên dẫn đến ngập lụt là khó tránh.