Thay đổi cơ bản trong chiến lược cách ly điều trị Covid-19

20:15 | 16/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 phức tap, lan rộng, số ca mắc tăng rất nhanh, Bộ Y tế đã có một số thay đổi cơ bản trong chiến lược cách ly, xét nghiệm, điều trị để phù hợp với thực tiễn.

Ghi nhận 3.321 ca mắc mới trong ngày 16/7

Theo Bộ Y tế, tính đến 18h30 ngày 16/7, Việt Nam ghi nhận 3.321 ca mắc mới trong nước, bao gồm: TP.HCM (2,420), Bình Dương (166), Đồng Tháp (158), Tiền Giang (146), Đồng Nai (72), Khánh Hòa (57), Vĩnh Long (49), Phú Yên (44), Đà Nẵng (39), Tây Ninh (33), Cần Thơ (19), Nghệ An (16), Bến Tre (15), Hưng Yên (15), Bình Phước (13), Bình Thuận (9), Kiên Giang (8 ), Hậu Giang (7), Bắc Ninh (7), Hà Nội (6), Quảng Ngãi (4), Ninh Thuận (3), Lâm Đồng (2), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Giang (2), Đắk Nông (1), Lạng Sơn (1), An Giang (1)Thanh Hóa (1), Lào Cai (1), Đắk Lắk (1), Vĩnh Phúc (1). Trong đó, 2.939 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Như vậy tính từ đầu đợt dịch đến nay Việt Nam có tổng cộng 42.179 ca COVID-19. Trong đó, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 40.609 ca.

Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Thay đổi cơ bản trong chiến lược cách ly điều trị Covid-19 - ảnh 1

3.321 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 16/7

Có 05 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn là Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai.

TP.HCM và những tỉnh thành phía nam vẫn là các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 với số ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày lên tới hàng nghìn ca.

Nhằm sẵn sàng ứng phó điều trị COVID-19 trong tình hình mới, kịp thời điều trị cho người bệnh nghi nhiễm, nhiễm SARS-CoV-2, Sở Y tế TP.HCM kêu gọi toàn ngành y tế cùng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chiều ngày 16/7, trả lời tại cuộc họp trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với báo chí về tình hình dịch COVID-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sắp tới ở từng quận, huyện, từng xã phường sẽ có những điểm cung ứng hàng hóa. Các chợ truyền thống sẽ được nghiên cứu, mở lại chợ an toàn chỉ chuyên kinh doanh lương thực thực phẩm nhu yếu phẩm.

Phong toả trụ sở Bộ Công thương

Cũng trong chiều ngày 16/7, trụ sở Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) tại địa chỉ số 25 Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bị phong toả sau khi một trường hợp F0 đến đây nộp công văn.

Cụ thể, 14h30 ngày 14/7, nhân viên của Viện Cơ khí năng lượng và mỏ - Vinacomin đến Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chuyển công văn, hồ sơ và được một nam công chức hướng dẫn tại bàn tiếp nhận hồ sơ khu vực tiền sảnh khoảng 1-2 phút.

Sau đó, nhân viên Viện Cơ khí vào Văn phòng Cục nộp hồ sơ cho Văn thư, vẫn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, nộp xong ra ngay, không trao đổi. Sáng 16/7, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp nhận được thông báo nhanh của Viện Cơ khí về việc nhân viên nêu trên xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Hiện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã thông báo đến toàn cán bộ không di chuyển ra khỏi Cục, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh 5K, giữ khoảng cách, không giao tiếp gần, chờ cơ quan chức năng đến hướng dẫn trong chiều ngày 16/7.

Ông Đoàn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, cùng với việc khoanh vùng các đối tượng có liên quan, các lực lượng chức năng cũng sẽ tiến hành phun khử khuẩn trụ sở làm việc Cục An toàn môi trường theo quy định. Qua truy vết đã xác định được 1 trường hợp F1 và 9 F2.

Thay đổi chiến lược cách ly, xét nghiệm, điều trị phù hợp với thực tiễn

Trước bối cảnh tình hình dịch phức tap, lan rộng, số ca mắc tăng rất nhanh, Bộ Y tế đã có một số thay đổi cơ bản trong cách ly như: giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 14 ngày; thí điểm cách ly F1 tại nhà. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành có thể áp dụng theo hướng dẫn nếu đảm bảo đủ tiêu chí, chuẩn và điều kiện.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng thay đổi chiến lược về xét nghiệm. Theo đó, trước đây Realtime RT-PCR là chính, nay thực hiện test nhanh là chính. Điều này giúp giảm thời gian, tối ưu hóa xét nghiệm, trả kết quả nhanh để nhanh chóng tách được F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt.

Để đảm bảo tiết kiệm và tốc độ trong sử dụng test nhanh, Bộ Y tế chính thức cho phép gộp mẫu trong test nhanh ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn đánh giá ở TP.HCM, độ nhạy, độ đặc hiệu của test nhanh gần tương đương với xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn. Bộ Y tế cho phép các địa phương có thể gộp mẫu 3- 5 trong một lần test nhanh, tùy vào điều kiện, kỹ thuật lấy mẫu. Đây là sự thay đổi rất căn bản, quan trọng trong xét nghiệm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện TP.HCM và một số địa phương đang thực hiện tốt điều này, nhưng việc khẳng định ca dương tính vẫn phải dùng RT- PCR. Với vùng nguy cơ cao không nên gộp mẫu nhiều (chỉ nên gộp 5), lý do là nếu phát hiện dương tính vẫn phải quay lại lấy mẫu đơn để xét nghiệm, rất mất thời gian.

Đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vaccine

Tại hội nghị giao ban trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố diễn ra sáng 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vaccine toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11-2020, có những cam kết thỏa thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay nước ta mới có vaccine. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021.

Riêng trong tháng 7/2021, nước ta sẽ tiếp nhận khoảng gần 8,9 triệu liều. Tính đến ngày 13/7, Bộ Y tế đã phân bổ 11 đợt vaccine phòng COVID-19 với tổng số hơn 8,16 triệu liều cho các đơn vị, địa phương.

Toàn bộ số vaccine tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trước mắt, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố có dịch, các đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm đạt được mục tiêu "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội".

"Khi có vaccine được phân bổ về, các tỉnh, thành phố phải triển khai ngay kế hoạch tiêm chủng, lựa chọn tiêm đúng đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, quyết định về đối tượng tiêm của địa phương phù hợp", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tính đến ngày 15/7, nước ta tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng được hơn 4,18 triệu liều vaccine, trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là hơn 3,89 triệu và hơn 294.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Riêng trong ngày 15/7, có thêm 21.815 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

H.A

Xem thêm: Chủ tịch Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại một số điểm trên địa bàn