Thấy gì khi trái phiếu doanh nghiệp đạt kỷ lục hơn 100.000 tỷ chỉ trong 1 tháng?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa có một tháng đáng nhớ khi giá trị phát hành gấp đôi bình thường. Các doanh nghiệp thi nhau phát hành trái phiếu, tổng lên đến hơn trăm nghìn tỷ.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 8 vừa rồi đã xuất hiện kỷ lục mới về trái phiếu doanh nghiệp. Giá trị trái phiếu được chào bán trong tháng đạt 127.100 tỷ đồng, bằng tổng giá trị hai tháng trước đó cộng lại. Lượng phát hành đạt 38.400 tỷ đồng.
Vào ngày 1/9, Nghị định 81 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực sẽ siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hơn rất nhiều. Vậy nên các doanh nghiệp phải tranh thủ phát hành trái phiếu nốt kiểu “chạy nước rút”.
Theo quy định mới, muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều yêu cầu hơn đáng kể. Nghị định giới hạn quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phù hợp với quy mô vốn của doanh nghiệp. Cụ thể, dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Tình trạng thích thì phát hành trái phiếu sẽ được quản lý. Doanh nghiệp cũng không được phép chia nhỏ các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ theo nhóm, đợt khác nhau để tăng huy động từ các nhà đầu tư cá nhân. Trong hồ sơ phát hành trái phiếu phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn.
Nghị định 81 được kỳ vọng sẽ điều chỉnh việc phát hành trái phiếu vào khuôn khổ hơn
Trong mấy năm gần đây, chuyện doanh nghiệp phát hành trái phiếu vô tội vạ ngày càng phổ biến. Có những trường hợp doanh thu lợi nhuận không đáng kể nhưng phát hành lượng trái phiếu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Mục đích chủ yếu là để “lách” quy định qua trái phiếu.
Ông Đỗ Thái Hưng - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Finpros giải thích “mánh” này như sau: Doanh nghiệp vay một khoản ngắn hạn khoảng 1000 tỷ, 800 tỷ rồi mua trái phiếu dài hạn. Vì bản chất của dòng tiền này sẽ phải trả lại ngân hàng ở một thời điểm nào đó, các doanh nghiệp sẽ hợp tác và trả chi phí cho những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu, nhất là các đơn vị như công ty chứng khoán của ngân hàng để đẩy số lượng trái phiếu này cho nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, trong một thời gian ngắn doanh nghiệp lại thu được một nguồn tiền để trả ngân hàng. Lượng vốn ngắn hạn vậy là chuyển hóa thành vốn trung và dài hạn.
Tháng 8 này, vì phải vội phát hành trái phiếu trước khi Nghị định 81 đi vào hiệu lực nên mặt bằng lãi suất trái phiếu cũng được đẩy lên cao hơn tháng trước khoảng 144 điểm. Thậm chí còn có doanh nghiệp bất động sản đề lãi suất trái phiếu tới 18%/năm. Tuy nhiên, dù lãi suất khủng là vậy nhưng số lượng trái phiếu bán thành công của doanh nghiệp đó chỉ đạt 1 phần 3 số lượng phát hành.
Theo giải thích của chuyên gia, có những trái phiếu bất động sản lãi suất cao vì tổ chức phát hành có nhiều rủi ro về năng lực, vốn, tài chính, dự án triển khai,... Họ phải huy động với lãi suất cao để hấp dẫn nhà đầu tư. Đi kèm với lãi suất cao cũng là rủi ro cao. Nhưng với Nghị định 81 và sắp tới là Luật chứng khoán 2019 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, các tồn tại này sẽ được giải quyết.
Nhà đầu tư hiện đã cảnh giác hơn với những trái phiếu doanh nghiệp lãi cao, lãi khủng
Thế nhưng các nhà làm chính sách cũng cần có sự cân nhắc để tránh gặp phải "bài toán ngược": Siết kênh đầu tư trái phiếu mới có quy mô 13% GDP để rồi lại đẩy nhu cầu vốn ngược về kênh tín dụng ngân hàng hiện đã chiếm đến 130% GDP.
Trả lời phỏng vấn của VTV, ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt (TVC) nhận định các mức lãi suất ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với khu vực. Xu hướng lãi suất vay lãi tín dụng phải là 6 đến 8%, còn lãi suất tiền gửi là 1 đến 3% cho các kỳ hạn như các nước bạn. Ở các nước phát triển gửi tiền ngân hàng còn phải mất phí. Vậy nên nhu cầu đầu tư trái phiếu là tất yếu ở nước ngoài. Còn nhà đầu tư Việt Nam chưa thể thay đổi ngay thói quen gửi tiền ngân hàng sang đầu tư trái phiếu. Thói quen này cần phải dần dần thay đổi theo thời gian.
Kim Chi