Thế Giới Di Động sẽ khai trương 5 cửa hàng điện máy ở Indonesia tháng 12, mở mới chuỗi An Khang một cách thận trọng năm tới
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động và cũng là người phụ trách hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) đánh giá quý IV/2022 nếu so với cùng kỳ năm trước dịch thì không đạt tăng trưởng cũng như kỳ vọng.
Dự báo hết năm 2022, hai chuỗi TGDĐ và ĐMX có thể duy trì được mức tăng trưởng khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
iPhone 14 ra mắt khoảng thời gian 15 - 31/10, trong khoảng 1,5 tháng của năm nay MWG đạt được tăng trưởng sản lượng khoảng 150% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên với tăng trưởng của riêng dòng iPhone 14 thì theo ông Hiểu Em là chưa đạt được như kỳ vọng. Hiện Apple đang gặp vấn đề về chuỗi cung ứng, nhà máy Foxconn bùng dịch COVID-19 khiến hàng hoà bị gián đoạn trong vài tuần vừa qua.
Về triển vọng của ngành ICT năm 2023, thị trường điện thoại và điện máy được ông Hiểu Em dự báo không mấy lạc quan. 6 tháng đầu năm tới, lãnh đạo MWG không kỳ vọng vào sự tăng trưởng và doanh nghiệp cũng không đặt mục tiêu mở mới thêm chuỗi TGDĐ và ĐMX trong thời điểm này. Nếu những tháng cuối năm tới, tuỳ tình hình thực tế, doanh nghiệp có thể xem xét đặt ra các mục tiêu khác.
Đánh giá động lực tăng trưởng của ĐMX và TGDĐ trong năm tới, ông Hiểu Em cho rằng dù tình hình không mấy khả quan song doanh nghiệp vẫn thấy được nhiều cơ hội tiếp tục tăng trưởng thị phần. Sau khoảng thời gian mở mới thần tốc, lãnh đạo MWG cho biết sắp tới sẽ là khoảng thời gian doanh nghiệp nhìn nhận lại về mặt nội lực để gia tăng tăng tưởng cho những cửa hàng cũ.
Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp cho hay sẽ làm việc với các hãng chặt chẽ hơn, với những hãng có đủ tiềm lực, MWG sẽ tìm tiếng nói chung và cơ hội gia tăng trong những sản phẩm độc quyền.
Với sản phẩm iPhone, ông Hiểu Em cho rằng sản phẩm này vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng để tập trung. Năm 2023, đây cũng là sản phẩm tập trung lớn của TGDĐ, ĐMX hay TopZone.
Không chỉ sản phẩm iPhone mà tất cả sản phẩm trong hệ sinh thái của Apple. So với một số nước trong khu vực, ngoài iPhone thì các sản phẩm trong hệ sinh thái Apple ở Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp.
Song song, trong bối cảnh khó khăn, trung kiểm soát hàng tồn kho là ưu tiên hàng đầu của MWG để tối ưu nhất về mặt chi phí. Ông Hiểu Em cho hay sức mua sụt giảm ở nửa cuối năm nay đã được doanh nghiệp dự báo từ sớm và có biện pháp siết chặt nên tới thời điểm hiện tại doanh nghiệp không có khó khăn gì hàng hoá tồn kho. Số ngày tồn kho sẽ được kiểm soát thông qua hệ thống và tuỳ theo từng nhóm hàng, sản phẩm có những quy định riêng về số ngày tồn kho.
Mảng online của TGDĐ và ĐMX năm nay dự kiến về đích với doanh thu khoảng 18.000 tỷ, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm nhu cầu mua sắm online tăng mạnh do giãn cách xã hội. Biên lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh online khoảng 14-15% so với mức 22% của mảng offline của MWG hiện tại.
Khai trương 5 cửa hàng Era Blue tại Indonesia trong tháng 12
Cập nhật tiến độ về dự án tại Indonesia, ông Hiểu Em tiết lộ dự kiến trong tháng 12 doanh nghiệp sẽ khai trương 5 cửa hàng đầu tiên với tên gọi Era Blue. Lãnh đạo MWG đánh giá Indonesia là thị trường tiềm năng với dân số và diện tích đều vượt so với Việt Nam nhiều lần.
Thực tế doanh thu điện thoại của Indonesia khoảng 9 tỷ USD, gần gấp đôi Việt Nam. Còn với mảng điện máy ở thị trường Indonesia được đánh giá còn rất sơ khai và nhiều tiềm năng khi chỉ bằng 70% so với thị trường Việt Nam.
Đến hiện tại, theo chia sẻ của lãnh đạo MWG ở Indonesia chưa có bất cứ nhà bán lẻ nào có thể thống lĩnh được thị trường này. Một số chuỗi lớn ở Indonesia như Electric City hay Hartono chỉ có vài chục cửa hàng, phần lớn nằm trong các trung tâm thương mại. Ngoài ra, dịch vụ ở Indonesia làm rất kém, chủ yếu nằm trên vai các hãng tự điều phối và xử lý. Ví dụ, để hoàn tất việc giao hàng và lắp đặt một cái máy lạnh có thể mất 7-10 ngày.
Trong thời gian tới, MWG sẽ mang dịch vụ ở Việt Nam sang áp dụng tại thị trường Indonesia - đây cũng sẽ là điểm khác biệt so với các cửa hàng điện máy khác ở nước này.
Các cửa hàng MWG dự kiến mở ở Indonesia là các cửa hàng ngoài đường chứ không nằm trong trung tâm thương mại và diện tích khoảng 400 m2, tương đương diện tích một cửa hàng Điện Máy Xanh mini ở Việt Nam.
Doanh thu trên mỗi cửa hàng ở Indonesia được kỳ vọng khoảng 3 tỷ đồng. Trước mắt chỉ có 5 cửa hàng, MWG sẽ tập trung hoàn thiện mô hình kinh doanh và tối ưu chi phí vận hành. Dự kiến sau quý I hoặc đầu quý II, nếu đạt được kết quả như đề ra mới tiến tới mục tiêu mở rộng nhưng với một chiến lược thận trọng.
An Khang sẽ mở mới theo chiến lược thận trọng trong năm tới
Về chuỗi An Khang, ông Hiểu Em chia sẻ so với kế hoạch tuyên bố từ đầu năm mở mới cán mốc 800 cửa hàng năm nay nhưng tới hết quý III, MWG quyết định dừng lại là 500 cửa hàng do những tháng cuối năm nay có quá nhiều khó khăn.
Tính tới hết tháng 10, báo cáo của MWG cho biết có 529 cửa hàng An Khang đang hoạt động.
Việc mở mới sẽ tập trung ở những khu vực đông dân cư, với diện tích nhỏ của cửa hàng thuốc vị trị mở phải đảm bảo độ nhận diện.
Ông Hiểu Em cho biết An Khang vẫn sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2023 song doanh nghiệp sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp và chiến lược mở mới sẽ thận trọng hơn khi tập trung vào chất lượng, đảm bảo phải có lời EBITDA trên mỗi cửa hàng.
Doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc An Khang hiện khoảng 350 - 400 triệu/tháng. Nếu doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc có thể đạt 450 - 500 triệu cộng với biên lợi nhuận gộp hiện tại khoảng 22% thì có thể hoà vốn và có lời.
Tập khách hàng của An Khang tập trung vào hai nhóm khách vãng la khi mua các loại thuốc thông dụng, thuốc cắt liều; nhóm thứ hai là thuốc theo toa, thuốc mãn tính.