Thị trường bất động sản mùa dịch “ảm đạm”, lượng cung – cầu nhà ở lệch pha

17:51 | 28/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê của CBRE, nguồn cung bất động sản, nhà ở khan hiếm mà nhu cầu đầu tư, an cư vẫn cao, khả năng chi trả của người dân vẫn có nên giao dịch ghi nhận 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng khá cao.

Trong đó lượng căn hộ bán được của TPHCM tăng 28%, Hà Nội tăng 20%. Tỷ lệ hấp thụ khả quan cả ở TPHCM, Hà Nội trong nửa đầu năm nay.

Giám đốc cấp cao của CBRE Dương Thùy Dung nhận định, nguồn cung thị trường bất động sản đang khan hiếm trong khi lực cầu còn rất cao. Việc sụt giảm giao dịch trong thời điểm này là vì các yếu tố ảnh hưởng từ đại dịch chứ không phải do nhu cầu thực của người dân không có.

Bà Dương Thùy Dung cũng chia sẻ thêm, hiện vẫn nhận thấy nhu cầu để ở và đầu tư của khách hàng là rất lớn, trong đó bất động sản nhà ở vẫn là phân khúc ưu việt.

Không chỉ trên thị trường sơ cấp, qua khảo sát của CBRE, giá một số dự án trên thị trường thứ cấp cũng tăng. Tại một số dự án cao cấp, giá bán mua đi bán lại tốt hơn so với giá năm 2020 và cao hơn giá chủ đầu tư. Ở TPHCM, tốc độ tăng giá tăng 5-10% và thậm chí có thể lên tới 30%. Còn với căn hộ trung cấp thì mức độ tăng giá thấp hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu về bất động sản của người dân rất lớn, bao gồm cả nhu cầu an cư lẫn đầu tư. Trong khi đó, lượng cung lại eo hẹp.

Ngoài nguyên nhân từ vấn đề pháp lý, theo ông Đính, hiện nay do dịch bệnh phức tạp khiến tiến độ ra hàng của nhiều chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Chuyên gia lo ngại thị trường không chỉ thiếu hàng giai đoạn này mà còn ở giai đoạn tiếp theo.

Ông Đính cũng cho rằng, sự lệch pha cung - cầu là một trong những nguyên nhân chính khiến giá bất động sản "miễn nhiễm" với dịch bệnh và xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp diễn.

Thị trường bất động sản mùa dịch “ảm đạm”, lượng cung – cầu nhà ở lệch pha - ảnh 1

Cung hiện vẫn chưa đáp ứng được cầu

Ngày 24/8, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2021.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng...

Ngoài ra, yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường bất động sản tăng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

Về phía Bộ Tài nguyên môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ đại, hướng dẫn các địa phương khẩn trương lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; thẩm định, trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện quy định về tính toán giá đất, về chuyển nhượng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân xây dựng nhà ở…không để chuyển nhượng trái pháp luật, sai mục đích. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Theo báo cáo về thị trường bất động sản trong quý II/2021 của Bộ Xây dựng, về lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng có 29.949 giao dịch bất động sản thành công. Tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý I-2021 và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý I/2021), tại thành phố Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý I/2021). Nhìn chung, các giao dịch thành công vẫn tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Về giá nhà ở, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, với căn hộ chung cư, giá giao dịch bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tăng 5-7% so với quý I-2021. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá giao dịch trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý I/2021. Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Về đất nền, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý I/2021. 

Lượng hàng tồn kho trong Quý II/2021, tổng lượng giao dịch là 29.949 giao dịch, tăng 18% so với Quý I/2021; nguồn cung bất động sản có 29.557 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản khác giảm. Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường Quý II tốt hơn, trong quý không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp. Lượng bất động sản tồn kho chưa được giao dịch hầu như chỉ có ở các nhà đầu tư thứ cấp và một số loại hình bất động sản đang chịu tác động nặng nề của bệnh dịch như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Bộ Xây dựng nhận định, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định.

Thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”. Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát.

 Hải Đăng