Doanh nghiệp đề xuất đánh thuế GTGT ngành phân bón để 'tránh cơ chế 2 giá cho cùng mặt hàng'

Trang Mai 10:18 | 29/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc đưa phân bón quay trở lại chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% là vấn đề nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều.

‏Trong 7 năm, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón lên tới 10.000 tỷ‏

‏Trong luật thuế GTGT có hiệu lực từ đầu năm 2015, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp... là những mặt hàng không chịu thuế GTGT, có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.‏

‏Tại hội thảo ‏‏“Ảnh hưởng của của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” được tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, ‏‏sau 9 năm triển khai thực hiện việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng áp dụng thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT đã nảy sinh một số bất cập ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón trong nước, sụt giảm dự án đầu tư mới nhằm đổi mới công nghệ sản xuất phân bón và sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, phân bón hiệu suất cao.‏

‏Bất cập đầu tiên là toàn bộ thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu, dịch vụ phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành và giá bán phân bón. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón từ năm 2015 đến năm 2022 đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.‏

‏Không được khấu trừ thuế khiến doanh nghiệp phân bón hạn chế đầu tư. Ảnh: Đạm Cà Mau.‏

‏Tiếp đó, điều này có thể khiến sụt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, do toàn bộ thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư. Cùng đó, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm. Điều này dẫn đến rủi ro cho sư phát triển của ngành phân bón trong nước.‏

‏Tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức hồi giữa tháng 6, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: ‏‏“Gần 10 năm không được áp thuế GTGT đối với phân bón, ngành nông nghiệp vừa thiệt đơn vừa thiệt kép”.‏

‏Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: Báo Đầu tư‏

Cũng theo vị này, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng cũng là nguyên nhân gây ra bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Cụ thể, mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu, trong đó có những sản phẩm buộc phải nhập khẩu do Việt Nam chưa sản xuất được. Trong khi sản phẩm của các nước khác vẫn chịu thuế GTGT, giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước.‏

‏“Ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng thấp trong tỷ trọng GDP quốc gia, phản ánh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, vai trò của nông nghiệp trong tăng trưởng kinh tế lại rất cao và là bệ đỡ nền kinh tế. Trong bối cảnh này, bất cập của Luật 71 này đang tác động đến nền kinh tế nói chung, với ngành nông nghiệp và bà con nông dân nói riêng. Tất cả những yếu tố đó gây hệ luỵ tới sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế”, ông Ngọc cũng nêu.‏

‏Doanh nghiệp: Không thuộc đối tượng chịu thuế khiến ‏‏chi phí sản xuất đội lên, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu ‏

‏Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Anh Tuấn - Kế toán trưởng Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết, nhiều năm nay, Đạm Hà Bắc triền miên lỗ và sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn. Do không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, doanh nghiệp không được hoàn thuế đầu vào khiến chi phí sản xuất đội lên, trong khi đó doanh nghiệp không thể áp giá bán cao vì như vậy sẽ không cạnh tranh với giá phân bón nhập khẩu, người nông dân không mua hàng. Doanh nghiệp cũng không dám đầu tư vì toàn bộ phần thuế giá trị gia tăng hạch toán vào tổng mức đầu tư, không được hoàn thuế khiến chi phí đội lên rất nhiều.‏

‏Mỗi năm, tổng số tiền mà doanh nghiệp gánh chịu thêm do chính sách thuế hiện hành với phân bón lên tới 250 tỷ đồng. “Nếu doanh nghiệp được khấu trừ thuế sẽ có nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng phân bón. Bên cạnh đó, nếu giá cả đầu vào duy trì ổn định như hiện nay, doanh nghiệp có thể hạ giá bán ít nhất 3-5%”, ông Tuấn nói. ‏

‏Đồng tình với kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm G.C (G.C Food) bày tỏ mong muốn có thuế VAT đầu vào và đầu ra cho mặt hàng phân bón để tránh cơ chế 2 giá cho cùng mặt hàng. Giá người nông dân mua hàng không có thuế VAT trong khi doanh nghiệp mua lại có thuế, dẫn đến sự không đồng nhất trong chính sách thuế.‏

‏Nhà nước định hướng sản xuất kinh tế nông nghiệp, tức là tạo ra hàng hóa phục vụ thương mại, không chỉ để tiêu dùng. Do đó, phân bón là đầu vào của kinh tế nông nghiệp, nên mặt hàng này cần được áp thuế VAT.‏

‏“Doanh nghiệp nông nghiệp mua hàng chịu thuế, nông dân không chịu thuế, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ hình thành 2 cơ cấu giá bán, trong đó người nông dân phải chịu mua giá bất lợi hơn để bảo đảm bù đắp lợi nhuận của họ.‏

‏Bởi doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp mua phân bón được tính VAT, còn người nông dân thì không. Trong khi đó, doanh nghiệp và người nông dân đều mua phân bón để phục vụ sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm nông nghiệp để bán lại”.‏

‏“Hiện phân bón đang chiếm 30% tổng chi phí sản xuất, là tỷ trọng cao trong cơ cấu giá thành của sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân”, ông Thứ nói thêm. ‏

‏Về phía nông dân, ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội) thống kê: Việc đưa phân bón ra khỏi danh mục không chịu thuế tưởng lợi mà trở nên bất cập, làm tăng giá phân bón. Trong khi đó, phân bón là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu đóng vai trò quan trọng đối với người dân nông dân trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp.‏

‏Trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau (0,1ha) chỉ khoảng 300.000 đồng trong tổng số 1 triệu đồng bao gồm tất cả các chi phí đầu vào. Nhưng từ sau năm 2014, giá phân bón tăng đã khiến chi phí này đội lên gần 500.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phân bón đã tăng 30-35% ăn mòn vào lợi nhuận của bà con nông dân.‏

‏“Chúng tôi rất lo giá phân bón tăng cao và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không có cơ chế, chính sách mới của Nhà nước sẽ khiến người làm nông nghiệp đuối sức, nhất là các hộ nhỏ lẻ. Thời điểm giá phân bón chịu thêm ảnh hưởng kép của biến động thế giới năm 2022, nhiều hộ nông dân ở thôn Bắc Hồng đã phải dừng sản xuất, chuyển sang đi làm thuê mướn các công việc khác, vì giá thành bán rau ra không đủ bù chi phí đầu vào, nhất là tiền mua phân bón, trong khi đầu ra của sản xuất nông nghiệp vốn đã bấp bênh.‏

‏Từ sau năm 2014, các doanh nghiệp phân bón phải tiết kiệm chi phí nên cũng giảm các chương trình hỗ trợ bà con về giá bán, hay các hoạt động khảo nghiệm cánh đồng. Do đó các hộ sản xuất nông nghiệp cũng thiệt thòi hơn so với trước.‏

‏Một nỗi lo khác là vấn nạn phân bón giả tăng theo nhiều vô kể. Người nông dân khi muốn tiết giảm chi phí sẽ thấy phân bón nào rẻ hơn là ưu tiên dùng, do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý đó tạo ra những sản phẩm kém chất lượng hơn, trộn nguyên liệu giả vào.‏

‏Việc đưa phân bón quay trở lại chịu thuế VAT 5% sẽ tạo thuận lợi lớn cho sản xuất nông nghiệp. Khi giá phân bón giảm, lợi nhuận của người nông dân, người sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên. Những hộ sản xuất lớn sẽ nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, giúp người làm nông nghiệp yên tâm hơn vào đầu tư sản xuất.‏

‏Tâm lý của người nông dân luôn muốn ưu tiên dùng các sản phẩm phân bón do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Phần vì tâm lý “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phần vì chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, nhất là những sản phẩm vi sinh, vô cơ tiên tiến mới, nhưng dĩ nhiên là mong muốn giá bán giảm đi và ổn định hơn.‏

‏Chúng tôi rất mong Nhà nước, các bộ, ngành hỗ trợ nông dân, nông nghiệp các chính sách từ gốc, tiêu biểu là có cơ chế giảm giá thành đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các công cụ máy móc nông nghiệp, đầu tư cho bảo quản chế biến sau thu hoạch. Những chính sách này rất hữu ích, thiết thực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp”, ông Hồng nói. ‏