Kiến nghị phân bón chịu thuế GTGT 5%: Cần hài hoà lợi ích doanh nghiệp - nông dân

Trang Mai 16:09 | 07/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đề xuất sửa đổi một số quy định về thuế, điển hình như thuế giá trị gia tăng (GTGT) để cho phép tính thuế GTGT khoảng 5% đối với vật tư nông nghiệp đã gây ra nhiều tranh luận gần đây.

Tại Việt Nam, các chính sách ưu thuế tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi đây là ngành có vị trí chiến lược quan trọng, bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP.

Theo đó, rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp không chịu thuế GTGT như: sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến, phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng... Một số sản phẩm nông nghiệp chỉ chịu thuế với thuế suất 5%. Sau quá trình triển khai, một số chính sách hỗ trợ đã phát huy được hiệu quả và đáp ứng mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, một số chính sách lại chưa đạt được hiệu quả. 

Những bất cập trong việc không áp thuế GTGT với ngành phân bón

Tham luận tại Hội thảo Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc Dân nhận định, việc chuyển từ mặt hàng thuế suất 5% sang mặt hàng không chịu thuế đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản là phù hợp. Hàng năm, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất TACN vẫn được nhập khẩu số lượng lớn từ nước ngoài. Phần lớn các nước trên thế giới đưa mặt hàng này vào diện không chịu thuế nên việc tiếp tục duy trì mặt hàng này trong diện không chịu thuế, vừa phù hợp với xu thế chung của thế giới, vừa hỗ trợ được nông dân trong hoạt động chăn nuôi.

Tuy nhiên, mặt hàng phân bón đưa vào đối tượng không chịu thuế lại có nhiều bất cập.

 Toàn cảnh Hội thảo Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Mai Trang

Lý giải cho điều này, bà Dương đưa ra 4 lý do. 

Thứ nhất, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT. Khi xuất khẩu phân bón vào Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu này được hoàn thuế GTGT đầu vào. Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập khẩu và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất tại thị trường Việt Nam. 

Thứ hai, nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%.

Thứ ba, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp nhiều khó khăn. Khi mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT thì đương nhiên, doanh nghiệp không được khấu trừ VAT đầu vào khi bán ra trong nước trong khi phần lớn đầu vào có thuế suất 10%. Số VAT đầu vào không được khấu trừ, doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất dẫn đến chi phí tăng cao, biên lợi nhuận giảm, không khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới TSCĐ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chuyển hướng sang xuất khẩu vì xuất khẩu vẫn được hoàn thuế GTGT do có thuế suất VAT 0% làm cho cung về phân bón giảm, càng làm tăng giá bán phân bón tại thị trường trong nước.

Thứ tư, mục tiêu ban đầu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được. Nông dân vẫn phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm. 

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - Phùng Hà, ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. 

 Phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đã khiến giá thành tăng cao. Ảnh: Đạm Cà mau

Trên thực tế, năm 2022, mức giá mặt hàng phân bón ở mức cao khiến sức mua của người nông dân yếu, ước tính nhu cầu nội địa trong năm 2022 giảm 20-30%. Đặc biệt, nếu như đầu năm 2022 giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh (đặc biệt là mặt hàng Urê), trong khi giá bán đầu ra thấp và chậm nên áp lực tồn kho và chi phí tài chính đang vô cùng lớn, biên lợi nhuận giảm nhanh chóng. Thậm chí, có những lô hàng sản xuất ra của một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán dưới giá thành. Ngành phân bón nội địa không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là urê, đã tăng khoảng 3-5 lần và liên tục tăng trong những năm qua. Một phần nguyên nhân là do phân bón ngoại nhập được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa. 

Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT, đảm bảo hài hoà lợi ích người dân - doanh nghiệp

Từ thực tế đó, ông Phùng Hà cho rằng, mục tiêu lâu dài và mang tính chiến lược để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, cũng như hài hòa lợi ích với người nông dân là Nhà nước sớm sửa đổi quy định của Luật Thuế 71/2014/QH13. Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nhận định: “Với cách tiếp cận thị trường toàn cầu, thị trường liên thông, chúng ta không thể áp đặt giá cho các nhà cung cấp vật tư”. Tại hội thảo, vị chuyên gia khuyến nghị: “Mở rộng diện chịu thuế, thu hẹp diện không chịu thuế, trước mắt là các sản phẩm vật tư nông nghiệp: phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, gia cầm,...”. Cùng đó, ông kiến nghị mức thuế suất quay về mức 5%.

Theo bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương, với các mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản nên có sự đối xử về thuế khác nhau. Mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thức ăn thuỷ sản vẫn nên đưa vào diện không chịu thuế trong bối cảnh Việt Nam đang muốn ưu tiên tạo thuận lợi cho nông dân. Nếu chính phủ theo đuổi mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài thì có thể xem xét hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách cho phép khấu trừ VAT đầu vào.

Chuyển phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, cần xem xét hài hoá với các thuế khác đánh vào mặt hàng phân bón như thế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Chính phủ cần kiểm soát hoạt động xuất khẩu phân bón để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước. Thuế suất thuế xuất khẩu phân bón cần thống nhất theo mã HS và duy trì ở mức cao hơn 0% (phân bón DAP, NPK hiện vẫn có mức 0%).