Công ty con của Vinachem báo lãi quý II tăng 72 lần cùng kỳ, có hơn 1.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa công bố, CTCP DAP - Vinachem (mã: DDV) ghi nhận doanh thu thuần 936 tỷ đồng, tăng 15% so với quý II/2023. Doanh thu tăng do sản lượng tiêu thụ tăng (sản lượng DAP đạt 72.002 tấn, tăng 5.028 tấn, tương ứng với tỷ lệ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, kỳ này phát sinh một số khoản doanh thu từ việc bán Axit, NH3.
Giá vốn theo đó cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn với 6%, lên hơn 800 tỷ đồng. Hai yếu tố này giúp lãi gộp tăng hơn 214%, đạt 110 tỷ đồng. Biên lãi cũng tăng từ 4% trong quý II/2023 lên 12% trong quý II năm nay.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng mạnh tới 145%, tương đương hơn 10 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh thu nhập từ lãi tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ. Ngược chiều, chi phí tài chính giảm một nửa, xuống còn hơn 900 triệu đồng, chủ yếu do giảm chiết khấu thanh toán và giảm lãi tiền vay.
Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng 16% và 36%, liên quan đến các công tác tiêu thụ sản phẩm và phát sinh một số khoản chi phí dịch vụ mua ngoài và trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Lợi nhuận sau thuế quý II của DAP - Vinachem ghi nhận 64 tỷ đồng, tăng tới 72% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm ngoái lãi ròng của doanh nghiệp này chỉ đạt 885 triệu đồng). Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu tăng mạnh hơn chi phí.
Kết quả tích cực của DDV được công bố trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp thuộc Vinachem đều có kết quả thuận lợi. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 tổ chức sáng ngày 5/7, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc Vinachem cho biết giá trị sản xuất theo giá thực tế tại nhóm công ty con của Tập đoàn ước đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ.
Cộng hợp toàn tập đoàn, doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18%, thực hiện được 55% kế hoạch năm; lãi cộng hợp ước đạt 815 tỷ đồng.
Nhận định những khó khăn trong thời gian tới, ông Tú nhận định có thách thức đến từ xu hướng kinh tế chủ đạo trong thời gian tới là nguồn cung tăng, nhu cầu chưa được cải thiện đi đôi với giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu tăng mạnh mẽ trở lại.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của DAP - Vinachem tính đến hết quý II ghi nhận 2.180 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Khoản tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm gần nửa tài sản.
Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng còn 116 tỷ đồng các khoản phải thu, hàng tồn kho hơn 260 tỷ.
Đồng thời, DAP - Vinachem cũng có tổng nợ hơn 480 tỷ đồng. Khoản vay và nợ thuê tài chính chỉ chiếm phần nhỏ với 36 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu đến hết quý II gần 1.700 tỷ đồng, chủ yếu là phần vốn góp của chủ sở hữu.
Theo ước tính của SSI Research trong một báo cáo hồi đầu năm, lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam.
Trong dài hạn, việc ngành Nông nghiệp Việt Nam chuyển hóa nhanh từ sử dụng phân bón vô cơ nguồn gốc hóa học sang hữu cơ (dự kiến đạt 25% vào năm 2025) sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp phân bón triển khai các chiến lược giảm phát thải khí carbon, đầu tư thương mại tín chỉ carbon. Từ đó duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận, đồng thời hỗ trợ tăng giá cổ phiếu và mức định giá doanh nghiệp trên thị trường vốn.