HAG sắp phát hành 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ, huy động gần 1.700 tỷ đồng

Đông Bắc 11:04 | 14/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Giá chào bán cổ phiếu HAG đang chênh tới 38% so với giá kết phiên 13/06 là 7.600 đồng/cp.

Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dự kiến chào bán riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu ở mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Toàn bộ số cổ phiếu từ đợt chào bán này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Với số tiền huy động gần 1.700 tỷ đồng, Công ty dự kiến sử dụng 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do Công ty phát hành ngày 30/12/2016; 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai để hoạt động kinh doanh; 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại huyện Chư Sê, huyện Đăk Pơ, huyện Đăk Đoa, huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai, Việt Nam.

Gần 300 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Chăn nuôi Gia Lai để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại huyện Mang Yang, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai, Việt Nam.

Trước đó, HAG đã công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần bao gồm 2 tổ chức là Công ty TNHH Glory Land và CTCP Quản lý Việt Cát, cùng 1 cá nhân là ông Nguyễn Đức Quân Tùng. Trong đó, Glory Land sẽ chi 1.000 tỷ đồng mua 95,2 triệu cổ phiếu HAG (tương ứng tỷ lệ sở hữu 8,74% sau phát hành). Quỹ Việt Cát mua 47,6 triệu cổ phiếu, dự tính chi 500 tỷ đồng. Còn ông Nguyễn Đức Quân Tùng sẽ rót khoảng 200 tỷ đồng, mua hơn 19 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ chênh tới 38% so với thị giá cổ phiếu HAG kết phiên 13/06 là 7.600 đồng/cp. Từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu HAG vẫn trong đà lao dốc và đến nay đã giảm hơn 50% so với đỉnh xác lập vào ngày 17/1.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Đoàn Nguyên Đức cũng tiết lộ hai đối tác sẽ đồng hành trong đợt phát hành riêng lẻ này gồm Quỹ Việt Cát và VPBank Securities.

Bầu Đức chia sẻ thêm rằng HAGL cần tiền để mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu 1 triệu con heo và 7.000 ha chuối. "HAGL vừa trải qua thất bại và đang hồi phục nên đối tác nào hỗ trợ cũng đều đáng quý vì HAGL đang trên đường lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư", bầu Đức nói với các nhà đầu tư.

Ông Đoàn Nguyên Đức cũng nói thêm rằng số tiền 1.700 tỷ đồng đối với HAGL là số tiền lớn và "HAGL rất trân trọng các nhà đầu tư đã tin tưởng và đến năm 2023 cổ đông sẽ cùng hưởng lợi từ việc phát hành này".

Diễn biến giá cổ phiếu HAG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2022, doanh thu thuần của HAGL đạt 802,6 tỷ đồng, tăng 202% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu doanh thu quý I của Hoàng Anh Gia Lai đến từ trái cây, bán heo và bán hàng hóa dịch vụ. Trong đó, doanh thu bán cây và hàng hóa dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với lần lượt 48,8% và 27% tổng doanh thu.

Kết quả, Công ty đã chuyển từ mức lỗ 68,8 tỷ đồng trong quý I/2021 sang có lãi 258 tỷ đồng trong quý đầu năm 2022. Riêng Công ty mẹ mang về 250 tỷ đồng.

Năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đem về 4.800 tỷ đồng doanh thu và 1.120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và gấp gần 9 lần thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Công ty đã hoàn thành lần lượt 16,7% và 23% kế hoạch năm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/6, cổ phiếu HAG giảm sàn 570 đồng về 7.620 đồng/cổ phiếu.

 

Thực hư thông tin cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết sàn HOSE

Trước đó hồi quý I/2022, thị trường từng rầm rộ tin đồn về việc cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết do bị lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định: "Căn cứ vào luật thì không thể xảy ra trường hợp cổ phiếu HAGL bị hủy niêm yết trên HOSE. Do đó, tôi không hiểu tại sao gần đây lại xuất hiện giả định trường hợp bị hủy niêm yết sẽ xảy ra". 

Theo luật sư Truyền, HAGL bị lỗ sau thuế 3 năm liên tiếp là 2017, 2018 và 2019 (sau khi xác định có sự khác biệt giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp và kiểm toán). Do đó, phải căn cứ theo luật được áp dụng vào thời điểm xảy ra lỗ lũy kế.

Dù nghị định 58/2012 quy định về việc hủy bỏ niêm yết trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liên tục, nhưng chỉ xét theo nội dung của báo cáo tài chính kiểm toán hằng năm được công bố, chứ không bao gồm việc doanh nghiệp phát hiện lỗ và điều chỉnh lại kết quả kinh doanh sau đó.

Ngoài ra, tại thời điểm lập báo cáo tài chính của HAGL cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Tuy nhiên, nội dung này chỉ mới được quy định tại nghị định 155/2020 và chỉ bị xử lý hủy bỏ niêm yết từ ngày 1/1/2022 (khoản 12 điều 310 nghị định 155/2020), tức nghị định 155/2020 không thể áp dụng trong trường hợp trên của HAGL.

Luật sư Truyền cho rằng nhà đầu tư không nên đặt giả định sẽ bị hủy niêm yết, trừ khi có văn bản chính thức từ cơ quan chức năng. Hơn nữa, theo luật thì không thể hủy niêm yết được.