Thông tư mới về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe có điểm gì đáng chú ý?

08:17 | 04/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tư lần này cũng quy định lại thủ tục đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp để phù hợp với việc triển khai dịch vụ công mức độ 4 trong cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe.
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 01/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017 của bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ. Trong đó có nhiều thay đổi trong công tác đào tạo lái xe.

Lùi thời gian áp dụng phần mềm mô phỏng


Cụ thể, thông tư này cho phép các cơ sở đào tạo lái xe lùi thời gian sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái ô tô đến ngày 31-12-2021, thay vì áp dụng từ 1-1-2021. Riêng các trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 1-6-2022.
 
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo lái xe cũng phải trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái ô tô từ ngày 1-1-2022. Trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô để đào tạo lái ô tô từ ngày 1-7-2022.
 
Thông tư mới về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
 
“Trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin học lái ô tô, cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo theo chương trình quy định…” - Thông tư 01 của Bộ GTVT nêu rõ.
 
Theo Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), do thời gian vừa qua ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn khi triển khai quy định này. Cạnh đó đã có 19/22 Sở GTVT gửi văn bản góp ý đối với dự thảo thông tư và đề nghị nên lùi thời gian áp dụng quy định này để tháo gỡ bớt khó khăn cho các cơ sở đào tạo trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên Bộ GTVT quyết định như trên.
 

Nhiều điểm mới về cấp, đổi GPLX

 
Điểm mới nữa của thông tư là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt có nhu cầu học lái mô tô hạng A1, hạng A4 được lập một bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Trong đó, hồ sơ ngoài các giấy tờ theo quy định thì kèm giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt. Giấy xác nhận có giá trị một năm kể từ ngày ký xác nhận, cá nhân ký tên hoặc điểm chỉ vào giấy xác nhận.
 
Thông tư 01 cũng quy định là cá nhân đạt kết quả sát hạch có nhu cầu nhận GPLX tại nhà, trong vòng ba ngày kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch, thực hiện đăng ký qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT.
 
Đối với người có hợp đồng lao động trong ngành công an từ 12 tháng trở lên, học viên hệ dân sự các trường công an nhân dân và công an xã có GPLX do ngành công an cấp không tiếp tục phục vụ trong ngành công an mà GPLX hết hạn trước ngày thông tư này có hiệu lực (nhưng chưa quá bảy tháng) có nhu cầu đổi GPLX (do ngành giao thông cấp) sẽ được xét theo Thông tư số 12/2017 của Bộ GTVT và các quy định của thông tư này. Điều này có nghĩa là đối tượng này sẽ được chuyển đổi cấp GPLX từ quân sự sang hệ dân sự và phải tham gia sát hạch lại lý thuyết tương tự như quy định đang áp dụng đối với người có GPLX dân sự bị quá thời hạn sử dụng. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31-7-2021.
 
Vụ An toàn giao thông cho rằng quy định trên để tháo gỡ khó khăn cho việc làm thủ tục đổi GPLX từ ngành công an cấp sang GPLX do ngành GTVT quản lý cho các trường hợp là công an xã, người có hợp đồng lao động trong công an nhân dân, học viên hệ dân sự các trường công an nhân dân khi thôi không phục vụ trong ngành công an.
 
Về trình tự cấp hồ sơ, thông tư quy định trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định, cơ quan chức năng phải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản, hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho cá nhân trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
 
“Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT thực hiện việc đổi GPLX. Trường hợp không đổi GPLX thì phải trả lời và nêu rõ lý do…” - thông tư sửa đổi của Bộ GTVT quy định rõ.
 
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết thông tư lần này cũng quy định lại thủ tục đổi GPLX do ngành GTVT cấp để phù hợp với việc triển khai dịch vụ công mức độ 4 trong cấp mới, cấp đổi GPLX. Quy định đối tượng, thành phần hồ sơ và trình tự thủ tục đổi GPLX do ngành công an, quân đội cấp…
 
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2021.
 

Quy định mới về trình tự cấp GPLX quốc tế

 
Thông tư 01 cũng sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2015 của Bộ GTVT về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế (IDP) như sau:
 
Cá nhân khi nộp đơn trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT phải xuất trình bản chính GPLX quốc gia do Việt Nam cấp, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) để kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của việc cấp IDP và phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí khi được tiếp nhận hồ sơ.
 
Khi nộp đơn qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cá nhân kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai, phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí thông qua chức năng thanh toán lệ phí của hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nộp phí sử dụng dịch vụ khác theo nhu cầu của cá nhân.
 
Trường hợp đơn đề nghị không đúng theo quy định, cơ quan tiếp nhận đơn có trách nhiệm thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho cá nhân trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn.

Theo PLO