Thu hút thấp kỷ lục, Hà Nội muốn có chương trình hoành tráng hút tỷ USD vốn FDI
Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đăng ký FDI Hà Nội đạt được 519,2 triệu USD, thấp kỷ lục nếu so với một thành phố trung tâm chính trị, kinh tế, giao thông như Hà Nội. Đó cũng chưa phải toàn bộ vấn đề trong thu hút FDI của thủ đô.
Trong số các dự án FDI đầu tư vào Hà Nội, có 139 dự án mới đăng ký mới với số vốn đạt 76,8 triệu USD. Nếu tính trung bình thì mỗi dự án FDI mới đầu tư vào Thủ đô chỉ loanh ở mức hơn nửa triệu USD/dự án. Đây được coi là con số khá thấp với tầm vóc đầu tàu kinh tế của thành phố.
Bên cạnh đó, chỉ số về tổng vốn đăng ký cũng sụt giảm hơn so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 1.056 tỷ USD, giảm hơn một nửa trong 5 tháng đầu năm 2021) và nhỏ hơn các tỉnh thành khác trên cả nước.
Nếu Hà Nội không tìm ra hướng giải quyết này, việc thực hiện mục tiêu thu hút vốn FDI từ 6 đến 8 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trở nên xa vời.
Ảnh minh họa
Vài ngày sau khi thông tin về kết quả thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2021 được công khai, UBND Tp.Hà Nội đã ban hành kế hoạch hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trong 10 năm sắp tới (đến năm 2030).
Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng bộ tiêu chí để sàng lọc, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phù hợp với đặc thù kinh tế, cơ sở hạ tầng của Thủ đô. Hà Nội sẽ tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, đồng thời sàng lọc để bảo vệ an ninh, quốc phòng và tiềm lực kinh tế quốc gia.
Thành phố sẽ chọn lọc hợp tác, đầu tư để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế. Tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ chú trọng việc thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm cạnh tranh cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Mục đích là để nhận được chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của thành phố.
Để làm được điều này, thành phố sẽ chuẩn bị kỹ các yếu tố đầu vào để đón đầu dòng vốn dịch chuyển: Đội ngũ lao động chất lượng và tay nghề cao, chuẩn bị kỹ mặt bằng sản xuất và các điều kiện về năng lượng (đặc biệt là điện); nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước để sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Hà Nội có kế hoạch tạo động lực cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng nhân sự và tạo ra nhiều kênh cạnh tranh, kênh chuyển giao công nghệ thông qua liên kết sản xuất.
Thủ đô sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội từ những Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết. Xác định thu hút vốn đầu tư FDI phải trong bối cảnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 sắp tới. Hài hòa với tổng thể quy hoạch của thành phố; phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển, bảo đảm hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường…
Chưa rõ vài tháng cuối năm kết quả thu hút FDI của Hà Nội sẽ đạt thế nào, nhưng nhìn vào các yếu tố "sẽ chuẩn bị kỹ" như nhân lực, mặt bằng..., lại có thể thấy đó là những yếu tố mà Hà Nội đã... sẵn có, và có lợi thế hơn các địa phương khác.
Nói cách khác, kế hoạch của Hà Nội có sự lẫn lộn giữa lợi thế thu hút với giải pháp có tính đột phá trong thu hút đầu tư FDI.
Sự lẫn lộn ấy, thực sự là vấn đề lớn của Hà Nội. Dường như, kết hoạch thu hút FDI đang thể hiện sự cạn kiệt về ý tưởng phát triển của thành phố. Vậy thì Hà Nội sẽ thành công với chiến lược FDI, hay tự nhiên sẽ thành công với phát triển bất động sản ?
Cần nói rõ, với lợi thế trung tâm, Hà Nội nên có giải pháp, thậm chí ưu đãi rõ ràng hơn nữa, để thu hút các dự án hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là các trung tâm nghiên cứu công nghệ của các tập đoàn lớn. Biến mình trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và lan toả giá trị ấy vào sản xuất công nghiệp nên trở thành mũi nhọn thu hút đầu tư FDI mà Hà Nội nên hướng tới một cách cụ thể, có hiệu quả.
H.S