Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Cần thêm các giải pháp trọng tâm hỗ trợ tránh suy giảm sản xuất

Thúy Hiền 16:57 | 30/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo tại Hội nghị với các bộ ngành, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tổ chức chiều 30/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ ra, mục tiêu điều hành trong thời gian tới là phải “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng”.

 

Theo đó, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%, bảo đảm các cân đối lớn đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 như tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 16% GDP, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP…

“Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Phương, từ năm 2020 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động về dịch bệnh, chính sách ngày càng nhanh.

Kể từ đầu năm 2022 tới nay, tình hình càng trở nên khó khăn hơn, khi kinh tế thế giới chịu thêm tác động mạnh từ xung đột Nga - Ukraine, tiếp tục làm gián đoạn, hạn chế hơn nguồn, chuỗi cung ứng hàng hóa, đẩy giá cả tăng cao; lạm phát, lãi suất tăng; tăng trưởng kinh tế thấp, thậm chí tăng trưởng âm, suy thoái kinh tế…

Thậm chí, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tình hình các nước lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam chuyển dịch rất nhanh giữa các xu hướng đối nghịch.

Các xu hướng đối nghịch đó là từ tăng trưởng kinh tế cao năm 2021 sang tăng trưởng chậm lại, thậm chí có nguy cơ suy thoái nhẹ năm 2022 tại Mỹ, EU, Trung Quốc; từ xu hướng dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát sang mất kiểm soát trong nửa đầu năm 2022 tại Trung Quốc… Từ ổn định sang nguy cơ mất ổn định, thiếu hụt nguồn cung, giá năng lượng, lương thực, hàng hóa tiêu dùng tăng cao tại Mỹ, EU; từ nguy cơ thiếu hụt sang dư thừa nguồn cung trong năm 2022 tại Ấn Độ, Thái Lan (gạo); Malaysia, Indonesia (dầu cọ)...

Đi cùng với đó là việc điều chỉnh chính sách nhanh nhưng rất khác nhau giữa các quốc gia và trong cùng một quốc gia nhưng giữa các thời điểm khác nhau… Cùng với đó, là áp dụng mọi biện pháp để bảo đảm an ninh năng lượng, kể cả các phương pháp, công cụ xác định từ bỏ trong dài hạn như: tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than tại Đức, Pháp, Áo… điện hạt nhân tại Nhật Bản…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong khi đó, bối cảnh trong nước cũng rất khó khăn. Một trong số đó là áp lực tăng giá ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, kể cả là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư công.

Các thách thức khác, là chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; dòng vốn FDI có chất lượng chưa cao, suy giảm từ năm 2020 đến nay; dịch COVID-19 cũng còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”...

“Nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trong bối cảnh như vậy, dự báo về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong nửa cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh tế thế giới phục hồi ngày càng chậm lại, khả năng xảy ra suy thoái ngắn hạn đang gia tăng. Lạm phát tăng cao, trở thành thách thức vĩ mô hàng đầu đối với kinh tế thế giới, nhiều khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn.

Trong khi đó, với kinh tế trong nước, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất.

“Cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp; từ đó, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Dựa trên các dự báo như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong ngắn hạn tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023)... nhưng cũng phải vừa thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phát triển trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, phải chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.

“Trong điều hành kinh tế vĩ mô, việc sử dụng đồng bộ, linh hoạt, có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh thêm.