Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy lưu thông hàng hóa nông sản tại các vùng đã khống chế được dịch bệnh

22:00 | 21/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đó, thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị 26 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cụ thể, nội dung Chỉ thị nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan nhằm đảm bảo việc thúc đẩy, lưu thông nông sản. Đồng thời cũng gỡ khó trong việc xuất khẩu nông sản trong thời gian giãn cách xã hội tại nhiều địa phương vừa qua. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao cùng các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản ở các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng.

Ảnh minh họa

Chỉ đạo xuất khẩu nông sản cho các vùng đã khống chế được dịch nhằm bù đắp phần thiếu hụt cho các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố phía nam. 

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề xuất khẩu nông sản chính ngạch (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản) sang thị trường Trung Quốc; làm việc với các cơ quan liên quan của Trung Quốc làm rõ về giảm tỉ lệ kiểm dịch động thực vật vào thị trường nước này... 

Bộ Công Thương có nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương đã kiểm soát dịch bệnh mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân. Trao đổi với phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính... 

Đàm phán quản trị chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu; chủ động cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Kiểm tra, hướng dẫn lưu thông thống nhất tại các địa phương; rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các giấy phép con. Nhanh chóng phối hợp cùng Bộ Công Thương xử lý tình trạng thiếu container rỗng và có giải pháp giảm giá cước vận tải phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu; chủ trì xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ điều tiết lưu lượng xe đỗ, tập kết tại khu vực cửa khẩu và trên các tuyến đường lên cửa khẩu để tránh ùn tắc.

Bộ Y tế được giao phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với đặc thù của từng loại hình sản xuất khu vực nông nghiệp.

Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát thống nhất các địa phương được sử dụng kết quả và thời gian có hiệu lực của hai phương pháp xét nghiệm COVID-19 (test nhanh và PCR). Đáng chú ý, Bộ cần hướng dẫn cụ thể khi người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản - nội dung Chỉ thị nêu rõ. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; rà soát và bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng, kho bãi tại các cửa khẩu và hạ tầng chế biến nông sản tại các địa phương.

Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tại cửa khẩu làm thủ tục và thông quan nhanh chóng đối với các mặt hàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu đường bộ qua biên giới phía bắc, ưu tiên về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với nông sản vào thời điểm thu hoạch chính vụ; tăng thời gian làm việc, đẩy mạnh thông quan điện tử, tạo thuận lợi trong việc thông quan đối với nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các chính sách, chương trình tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay… 

Đặc biệt, ngân hàng trung ương chỉ đạo TCTD xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức tín dụng bảo đảm các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng...

 

Trong thời gian các làn sóng COVID-19 bùng phát suốt từ đầu năm 2021 trở lại đã gây ra cho ngành nông nghiệp rất nhiều khó khăn. 

Dịch Covid-19 khiến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Hiện một số nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, ứ hàng cục bộ. Chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh phía Nam chịu cảnh thua lỗ trầm trọng, thậm chí phá sản...

Nhiều hộ nông dân chỉ ra  nhiều vùng thực hiện phong tỏa, cách ly y tế đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất từ khâu mua bán, vận chuyển nguyên liệu, nông sản đến tổ chức sản xuất. Nhiều loại vật tư nông nghiệp rất khó mua nên giá tăng rất cao. Còn nông sản thì không tiêu thụ được dù có loại giá rớt dưới giá thành sản xuất. 

Do đó, nếu Nhà nước không ban hành những chính sách "cấp cứu" kịp thời, rất có thể nhiều người nông dân, chăn nuôi sẽ không thể trụ vững để duy trì sản xuất, khiến ngành nông nghiệp nói chung chịu thiệt hại nặng nề.