Thanh Hóa: Bước chuyển mình của nền nông nghiệp số

07:53 | 18/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện đại hóa ngành nông nghiệp, áp dụng công nghệ số vào giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu đang là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp Thanh Hóa cũng không nằm ngoài “cuộc chơi” này…
Nông ngiệp Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để chuyển đổi số

Lợi thế phát triển

Tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là “Việt Nam thu nhỏ”. Bởi có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, diện tích đất sản xuất nông nghiệp có tới 909.766 ha, diện tích đất trồng lúa lớn nhất khu vực miền Bắc. Ngoài ra, còn là tỉnh có vùng lãnh hải rộng lớn với bờ biển dài 102 km và nguồn nhân lực dồi dào, với hơn 80% dân số chủ yếu làm nông nghiệp.  Những tiềm năng này chính là nền tảng để tỉnh Thanh Hóa phát triển được 11 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó, có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đồng thời, cũng là tiền đề để phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại.

Ngành Nông nghiệp Thanh Hóa nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển:  diện tích đất nông nghiệp lớn, nhân công dồi dào,...

Để thực hiện lộ trình hội nhập, hàng loạt các giải pháp để tạo sự chuyển mình cho ngành nông nghiệp đã được triển khai thực hiện rộng rãi trên tất cả các địa phương, đơn vị, như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích tích tụ tập trung đất đai theo quy định của pháp luật để phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao. Tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân gắn với liên kết 5 nhà trong sản xuất nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn, hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường; thúc đẩy các dự án chăn nuôi quy mô lớn đang triển khai thực hiện. Liên kết, hợp tác trồng rừng tập trung quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã, đang thành công với kế hoạch tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn với hàng chục nghìn ha đã được quy hoạch.  Đáng nói, sẽ có khoảng gần 2.500 ha được hỗ trợ kinh phí để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 31,5 tỷ đồng. Ngoài ra, theo chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc hưởng các chính sách của Trung ương sẽ được hưởng chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh

 Những “tiếng trống” phát động ngành Nông nghiệp Thanh Hóa hòa nhịp chuyển đổi số

Ngày 18-6-2021, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực NN&PTNT. Đây được xem là “tiếng trống” chính thức phát động ngành Nông nghiệp toàn quốc hòa nhịp CĐS. Tại Thanh Hóa, xác định phát triển nông nghiệp thông minh là xu thế tất yếu, Sở NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện đề án CĐS của ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Toàn ngành sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số, phổ cập kỹ năng số cho doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất chế biến nông nghiệp và người nông dân về CĐS. Mục tiêu của CĐS trong nông nghiệp là hướng đến nông nghiệp và người dân, trong đó, doanh nghiệp nông nghiệp là đầu tàu, người nông dân là trung tâm.

Phiên thảo luận tại Hội nghị Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Thêm một bước ngoặt để ngành Nông nghiệp Thanh Hóa hòa nhịp CĐS khi tỉnh nhà đã lập kế hoạch đưa các hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử. Kế hoạch này được ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này ký ban hành ngày 27/8. Đây không còn là câu chuyện viễn vông, phi thực tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Kế hoạch hướng tới hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa; cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hộ sản xuất nông nghiệp) lên Postmart, Vỏ Sò và các sàn giao dịch TMĐT khác để có thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Và, mới đây nhất, chiều 16-9, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam và Báo điện tử Tin nhanh Việt Nam đã tổ chức trực tuyến Diễn đàn chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam, thu hút hơn 3.000 đại biểu đến từ hơn 35 quốc gia trên thế giới. Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở: Ngoại vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Công thương… Sau diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp để nông nghiệp tỉnh nhà bắt kịp với xu thế thị trường, phát triển theo hướng hiện đại hóa.

Những dấu ấn đầu tiên  

Tại Thanh Hóa, để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều ý tưởng, mô hình hay đã được áp dụng rộng rãi, mang lại những kết quả tích cực, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa. Đơn cử như sau những mô hình trình diễn của ngành nông nghiệp về phun, tưới tự động, đã lan toả xu hướng sản xuất tự động hoá trong Nhân dân. Từ đó, nhiều đơn vị đã đầu tư kinh phí để lắp đặt những hệ thống máy móc hiện đại nhằm giảm thiểu sức lao động và tăng hiệu quả sản xuất.  Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm này là người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, đồng thời điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên tiết kiệm đáng kể nguồn nước. Ngoài ra, còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, kali, hay các loại phân bón dạng nước... đều có thể áp dụng được nhờ hệ thống ống dẫn thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn và năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống.

Việc áp dụng hệ thống tưới tự động vào trồng trọ đã giúp giảm thiểu sức lao động , đồng thời tăng năng suất và giá trí  của sản phẩm

Chị Vũ Thị Hậu, thôn Xuân Nguyên, xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia), cho biết: Trước đây, vùng đất bán sơn địa này khó khăn về nước tưới nên gia đình chỉ canh tác được cây ngô chịu hạn nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2016, để có nguồn nước tưới, gia đình đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng, đào ao dự trữ nước và khoan giếng, triển khai lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt bán tự động, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tuân thủ đúng quy trình canh tác... Vụ dưa đầu tiên sau 3 tháng chăm sóc, gia đình đã thu hoạch được hơn 40 tấn, với diện tích 2 ha, cho thu nhập gần 700 triệu đồng, lợi nhuận đạt trên 450 triệu đồng.

Nhiều mô hình chăm sóc cây trồng bằng hệ thống điều khiển từ xa, giúp người dân chủ động được thời gian, liều lượng nước và cân bằng dinh dưỡng trong quá trình chăm sóc cây trồng. Quá trình số hoá trong ngành trồng trọt được thể hiện rõ nét ở những mô hình thuỷ canh. Trong hướng sản xuất hiện đại này, từ khâu phân tích kiểm nghiệm mẫu nước, xuống giống đến chăm sóc cây trồng đều được sử dụng công nghệ số.

Không chỉ trong trồng trọt, ở lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng công nghệ 4.0 cũng được áp dụng rộng rãi ở các trang trại khép kín. Những hệ thống chăm sóc (ăn uống, điều chỉnh nhiệt độ..) được điều khiển tự động đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, ở lĩnh vực lâm nghiệp, ngành chức năng cũng đang triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát công tác phòng cháy chữa cháy rừng, giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện và xử lý kịp thời các đám cháy rừng khi còn ở diện hẹp.

Đặc biệt, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tận dụng những ưu việt của nền tảng số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Ví như câu chuyện phát triển thương hiệu và tìm kiếm thị trường của chị Nguyễn Thị Vân, chủ mô hình nuôi trồng Đông trùng hạ thảo Linh Trường, là một minh chứng điển hình.

Chị Nguyễn Thị Vân (ngoài cùng bên trái) đang cùng các chuyên gia nông nghiệp thảo luận về con đường xuất khẩu nông sản

Để giới thiệu sản phẩm và chủ động tìm kiếm nguồn đầu ra cho sản phẩm Đông trùng hạ thảo của mình, chị Vân đã lập ra trang “Nông sản sứ Thanh”. Nội dung trang page được chị lên ý tưởng, thực hiện một cách bài bản, công phu. Chị quay video, chụp hình từ khâu nuôi cấy Đông trùng hạ thảo, đến khâu chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm; cả những video đầy tâm huyết về dạy khách hàng cách bảo quản, sử dụng, phân biệt thật giả,… Nhờ hướng kinh doanh đầy năng động và mới lạ này, sản phẩm của chị Vân đã được đông đảo mọi người biết đến và tin tưởng sử dụng. “Tôi nghĩ, nếu người nông dân có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng thì không có lí do gì để không tự tin đưa sản phẩm của mình vươn xa. Công nghệ số chính là chìa khóa để giải quyết khát vọng này. Không lâu nữa đâu, chúng ta sẽ phải làm quen với việc tạo dựng những gian hàng trên các nền tảng số” – chị Vân hồ hởi.

CĐS không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “phá hủy” nhiều cái cũ. Vì thế, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, CĐS nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng.  Để thực hiện thành công CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách, công nghệ và trình độ dân trí, cần những quyết sách mang tính chiến lược, căn cơ từ các cấp, ngành chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để dẫn dắt quá trình CĐS. Hi vọng, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung sẽ đi đúng lộ trình, mang theo khát vọng đổi mới, đạt được thật nhiều thành tựu đáng tự hào trong tương lai.

Bài: Nguyễn Trường