Thủ tướng: Tăng cường các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, hiệu quả hơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 1068 yêu bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng đánh giá, vừa qua, các địa phương đã tập trung thực hiện công tác phòng chống, dịch; một số tỉnh, thành phố giãn cách theo Chỉ thị số 16 và đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, có nơi, có lúc thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.
“Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội”, công điện của Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn một số biện pháp.
Trước hết, để ngăn chặn lây nhiễm, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn theo nguyên tắc “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở đó”, để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly.
Song song với đó, triển khai thần tốc việc xét nghiệm tại khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, người có nguy cơ lây nhiễm cao, trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện và phân loại, đưa F0 vào cơ sở thu dung, điều trị; tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Trước đó, ngày 5/8, Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ chỉ đạo chống dịch cho 4 phó thủ tướng.
Để công tác phòng, chống dịch tập trung thống nhất, chuyên sâu, quyết liệt, hiệu quả hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chỉ đạo, điều phối chung.
Ông giao các phó thủ tướng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tình hình thực tế và kiến nghị, đề xuất của địa phương, người dân và doanh nghiệp để chỉ đạo các bộ, ngành xử lý ngay các vấn đề phát sinh, bảo đảm kịp thời yêu cầu phòng chống dịch, ổn định đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện, bổ sung các biện pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực để huy động mọi nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ, đồng tình của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia tích cực thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao nhất.
Các phó thủ tướng sẽ trực tiếp xem xét, xử lý và quyết định theo quy định, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngoài 4 phó thủ tướng, lãnh đạo các địa phương cũng được yêu cầu phải kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh để bảo đảm ổn định đời sống, an ninh, an toàn cho người dân, bảo đảm các điều kiện để duy trì hoạt động sản xuất. Phải đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết.
Công tác tiêm vắc xin cũng đang được đẩy nhanh tại các vùng có dịch.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tính từ 6h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố.
Chính quyền Thủ đô yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Lãnh đạo TP.Hà Nội khẳng định, đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, người dân không cần thiết tích trữ hàng hóa.
Đề nghị mỗi người dân Thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Còn tại phía Nam, trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, TP.HCM và nhiều tỉnh thành cũng đang áp dụng các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16.
Sáng 6/8, Bộ Y tế công bố ghi nhận 4.009 ca nhiễm COVID-19 mới ở 24 tỉnh thành. Trong đó, 3.186 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 823 ca cộng đồng.
Về công tác tiêm chủng, trong ngày 5/8, thêm 442.422 liều vắc xin được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 8.061.116, trong đó tiêm 1 mũi là 7.241.093 người, tiêm mũi 2 là 820.023 người.
Thu Quỳnh