Thủ tướng yêu cầu NHNN không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn

Đông Bắc 14:28 | 08/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng.

  

Sáng 8/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Cùng dự Hội nghị có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, NHNN đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục củng cố và tăng cường đoàn kết, đồng hành, phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ trong hệ thống ngân hàng; giữa các cấp, các ngành, các cơ quan với hệ thống ngân hàng; giữa hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, tiếp tục quán triệt "5 quyết tâm" mà Chính phủ đã xác định trong năm 2023 (quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; quyết tâm không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024).

 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng. Ảnh VGP.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.

"Không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng, làm sao phát triển hệ thống ngân hàng nhanh, toàn diện, bao trùm bền vững, góp phần quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng đồng thời lưu ý cần điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, bảo đảm cái này thúc đẩy cái kia.

Báo cáo tại hội nghị, Thống đốc  Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh. Bên cạnh đó, tình trạng xung đột địa chính trị diễn ra, ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao.

Ở trong nước, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên vẫn tạo áp lực đối với nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng.

"Dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 tác động lớn tới thanh khoản, tâm lý thị trường, khiến các tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong việc quản trị và cân đối nguồn vốn tín dụng", Thống đốc nói.

Những yếu tố trên đã tạo thách thức với việc điều hành, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cửa cao, tăng trưởng kinh tế nhiều năm dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh VGP.

Trước bối cảnh đó, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2%/năm. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022.

Với các biện pháp nghiệp vụ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, giúp kiểm soát lạm phát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5%). VND mất giá khoảng 2,9% trong năm 2023, nhưng được đánh giá là tiếp tục giữ vị trí 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới.

NHNN cũng đã thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng nhằm giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đồng thời, nhà điều hành đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Nhờ lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng đã góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Báo cáo thêm về các số liệu ngành ngân hàng năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng từ 50,3-99,1%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán.

Về phương hướng điều hành trong năm nay, NHNN đánh giá, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Trong năm nay, nhà điều hành cam kết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) đạt mục tiêu dưới 3%.