Tiền gửi ngân hàng lên tới 33.683 tỷ đồng giúp ACV lãi lớn mùa dịch

07:14 | 23/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cả ngành hàng không đang rơi vào trạng thái "cảm cúm" bởi những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng ACV là ngoại lệ, vẫn báo lãi trong quý 1.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) cùng Vietnam Airlines là hai doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực hàng không dân dụng và hạ tầng hàng không.

ACV được các cấp giao quản lý và vận hành 22 sân bay trên khắp cả nước. Tuy các chỉ số trong quý 1 của công ty có bị ảnh hưởng phần nào bởi bởi dịch bệnh như những doanh nghiệp trong ngành khác, nhưng ACV vẫn báo lãi. 

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2021, ACV ghi nhận doanh thu đạt 1.909 tỷ đồng, lãi ròng 864 tỷ đồng, giảm lần lượt  47% và 44% so với cùng thời điểm năm 2020. Doanh thu từ mảng kinh doanh chủ lực như: dịch vụ hàng không (gồm phục vụ hành khách, cất hạ cánh, phục vụ mặt đất, an ninh…) ở mức 1.547 tỷ đồng, giảm 46%. Doanh thu cung cấp dịch vụ phi hàng không (gồm cho thuê mặt bằng, thuê quảng cáo, dịch vụ hạ tầng…) đạt 299 tỷ đồng, thấp hơn 41% so với cùng kỳ. 

Doanh thu bán hàng cũng giảm 76% so với cùng kỳ, chỉ đạt 67%. 

Tiền gửi ngân hàng lên tới 33.683 tỷ đồng giúp ACV lãi lớn mùa dịch - ảnh 1

Dù chưa thể nào sánh được với thời điểm trước dịch Covid, nhưng doanh thu cùng lợi nhuận sau thuế của ACV tăng liên tục từ quý 3/2020 đến quý gần nhất của năm 2021. 

Đáng chú ý, báo cáo tài chính cho thấy là doanh thu của công ty lại đến từ nguồn hoạt động tài chính, đạt 909 tỷ đồng, tăng 65,6%. Trong đó lãi thu từ tiền gửi là hơn 476 tỷ đồng, lãi từ chênh lệch tỷ giá khoảng 423 tỷ đồng.

ACV có dư tiền gửi ngân hàng liên tục từ năm 2017 đến nay. Đến năm 2020, tiền gửi ngân hàng của ACV đã lên tới 33.683 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi tiền gửi của tổng công ty trong năm 2020 đạt 2.147 tỷ đồng, tăng 336 tỷ đồng so với năm trước. Đây cũng là nguồn thu giúp ACV đạt được lợi nhuận trong khi cả ngành hàng không trong nước và thế giới suy sụp vì đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, người "anh em" Vietnam Airlines đang phải chịu đựng tình cảnh trái ngược. Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng thông tin rằng, số lỗ quý 1 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam có thể lên đến 4.800 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm ước tính 10.000 tỷ đồng. Báo cáo quý 1/2021 cũng cho biết, doanh nghiệp hàng không đầu ngành đã lỗ 4.900 tỷ đồng thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiền gửi ngân hàng lên tới 33.683 tỷ đồng giúp ACV lãi lớn mùa dịch - ảnh 2

Vietnam Airlines đang nợ nần chồng chất

Hiện số nợ quá hạn mà Vietnam Airlines cần thanh toán đã lên đến 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn. Trong các chủ nợ của Vietnam Airlines cũng có tên ACV với số tiền vay lên đến 1.000 tỷ đồng, tính đến cuối kỳ 1/2021. 

Tình hình làm ăn bết bát khiến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày giữa tháng 4. Sang đầu tháng 6 vừa qua, hãng bay này cũng rao bán 11 chiếc máy bay để giải tỏa áp lực từ dòng tiền. 

Tạm thời, Vietnam Airlines có thể "thở" được phần nào với gói hỗ trợ tín dụng 4.000 tỷ sẽ giải ngân ngay trong tháng 7 từ Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời là kế hoạch tăng tăng vốn thêm 8.000 tỉ đồng đến từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu nhằm "xoay" tiền, giải quyết nợ nần. 

H.S

Xem thêm: Tối đa hiệu quả xây dựng sân bay Long Thành, ACV muốn vay và trả lãi bằng USD